Chiến dịch tự do đi lại do tàu USS William P. Lawrence thực hiện trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, nhằm "thách thức những tuyên bố quá đáng trên biển của một số bên" ở Biển Đông, Reuters dẫn lời Bill Urban, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói.
Theo Urban, những tuyên bố quá đáng trên biển của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế như Công ước về Luật Biển bởi chúng nhằm hạn chế quyền tự do đi lại của Mỹ và mọi quốc quốc gia khác.
"Không bên nào có tuyên bố chủ quyền được báo trước về đợt tuần tra. Điều này phù hợp với quy trình thông thường của chúng tôi và luật pháp quốc tế", ông Urban cho biết thêm.
Trung Quốc đánh chiếm đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, năm 1988 và đặt nó dưới sự quản lý của cái gọi là "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam. Trung Quốc sau đó tiến hành cải tạo phi pháp đá Chữ Thập, xây dựng nhiều công trình trái phép như đường băng dài 3.000 m khiến Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng nó để củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Ngoài đá Chữ Thập, Trung Quốc còn chiếm và cải tạo trái phép 6 thực thể khác ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, xây sân bay, hải đăng, trạm radar. Việt Nam khẳng định việc chiếm đóng của Trung Quốc đối với các đá ở Trường Sa, cũng như Hoàng Sa, là vô giá trị, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Lầu Năm Góc tháng trước kêu gọi Trung Quốc phải tái khẳng định không có ý định điều thêm phi cơ quân sự ra quần đảo Trường Sa sau khi Bắc Kinh sử dụng một phi cơ quân sự để sơ tán công nhân bị ốm từ đường băng trên đá Chữ Thập.
Đợt tuần tra diễn ra ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam, dự kiến vào cuối tháng này. Trung Quốc trước đó dọa chỉ trích từ cộng đồng quốc tế nhằm vào nước này liên quan đến Biển Đông sẽ bị bật lại giống như ấn vào lò xo.
Trung Quốc thường tức giận và phản đối những chiến dịch tự do đi lại của Mỹ trước đó. Bắc Kinh biện hộ rằng tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông "không có vấn đề gì cả".
Như Tâm