Mạng xã hội Trung Quốc gần đây lan truyền video một tàu đổ bộ lớp Type 072-II của hải quân nước này có gắn khẩu pháo điện từ lớn phía trước mũi di chuyển trên một khúc sông Trường Giang.
Theo giới quan sát, sự xuất hiện của con tàu cho thấy quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh việc thử nghiệm vũ khí điện từ lắp trên tàu chiến trong môi trường tác chiến thực tế. Hồi đầu tháng 1, các diễn đàn quân sự Trung Quốc cũng công bố nhiều bức ảnh cho thấy tàu đổ bộ này đang thử nghiệm ngoài biển.
Hồi tháng 3/2018, giới chức quân sự Trung Quốc xác nhận đang thử nghiệm pháo điện từ do Bắc Kinh tự phát triển, đồng thời khẳng định đã đạt được đột phá mới, giúp vũ khí này hoạt động một cách ổn định trên tàu chiến.
Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh của pháo điện từ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này.
Theo giới quan sát, Trung Quốc dường như đã đạt được thành tựu thực sự khi đang lên kế hoạch triển khai pháo điện từ lên các mẫu tàu khu trục tối tân như Type-055. Trong khi đó, mặc dù đã khởi động dự án từ hơn 10 năm trước, quân đội Mỹ vẫn chưa thể lắp pháo điện từ lên chiến hạm như Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể khẳng định quốc gia nào đang dẫn đầu về công nghệ pháo điện từ, bởi Trung Quốc chưa từng công khai quá trình thử nghiệm cũng như thông số cụ thể của loại vũ khí này. Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa thể khắc phục được những hạn chế về nguồn điện và độ bền của nòng pháo để biên chế vũ khí điện từ trên tàu chiến.
Nguyễn Hoàng (Theo Defense Blog)