"Chiến dịch Cầu London" là tên một kế hoạch được xây dựng suốt nhiều thập kỷ để chuẩn bị cho kịch bản Nữ hoàng Anh qua đời. Nó bao gồm tất cả mọi thứ, từ điều gì sẽ xảy ra với thi thể Nữ hoàng, cho đến cách thức tang lễ được tổ chức hay truyền thông sẽ phản ứng ra sao.
Kế hoạch từng được Guardian giải thích trong một bài viết năm 2017, cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi Anh và thế giới phải đối mặt với việc mất đi một lãnh đạo được yêu mến gần như trên khắp toàn cầu.
'Cầu London bị sập'
Điều đầu tiên xảy ra sau thời khắc Nữ hoàng qua đời là thư ký riêng của bà sẽ liên lạc với Thủ tướng Anh Liz Truss. Thông tin về Nữ hoàng ra đi sau đó sẽ tiếp tục được truyền đi trên các kênh liên lạc bảo mật của chính phủ Anh, với thông điệp mã hóa là "Cầu London bị sập".
Thế giới bên ngoài biết đến thông tin theo nhiều cách khác nhau.
Đầu tiên, thông tin sẽ được Hiệp hội Báo chí Anh phát đi tới tất cả các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới. Điện Buckingham cũng ra thông báo về cái chết của Nữ hoàng trên mạng xã hội.
Khi tin tức đã lan truyền rộng rãi, cáo phó chuẩn bị từ trước được các phát thanh viên trong trang phục đen công bố trên truyền hình. Các phi công cũng sẽ thông báo tin Nữ hoàng qua đời trên tất cả các máy bay đang hoạt động vào thời điểm đó.
Một nhân viên mặc đồ đen sau đó bước ra khỏi Điện Buckingham, gắn bảng thông báo viền đen lên cổng cung điện.
Leverton & Sons là những người đảm nhận cung cấp dịch vụ tang lễ cho hoàng gia và luôn sẵn sàng một "quan tài khẩn cấp" cho bất kỳ cuộc gọi nào từ Điện Buckingham.
Thời điểm qua đời, Nữ hoàng đang ở lâu đài Balmoral, Scotland, nên thi thể bà sẽ được chuyển về London trên một chuyến tàu hỏa hoàng gia.
Cả Thượng viện và Hạ viện Anh sẽ họp trong thời gian sớm nhất có thể. Cờ được treo rủ trên khắp đất nước và khối Thịnh vượng chung. Bất kỳ thành viên nào của hoàng gia đang công du hoặc không ở trong nước sẽ trở về nhà ngay lập tức. Chính vì lý do này, họ luôn được yêu cầu phải mang theo một bộ quần áo đen trong hành lý.
Trước tang lễ
Các Công tước xứ Norfolk đã chủ trì tang lễ hoàng gia kể từ năm 1672 và như vậy Công tước Norfolk thứ XVII, Bá tước Marshal, sẽ là người chủ trì tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II. Họ sẽ có văn phòng thường trực tại Cung điện St. James để chỉ đạo các công việc liên quan tới tang lễ cho tới ngày cuối cùng.
Trong thời gian 10 ngày cả nước để quốc tang, quan tài của Nữ hoàng sẽ được quàn tại Tu viện Westminster. Công chúng có thể tới viếng và bày tỏ lòng thành kính 23 giờ mỗi ngày. Sau đó, tang lễ cấp quốc gia được tiến hành, do Tổng giám mục Canterbury phụ trách.
Trong và sau tang lễ
Vào ngày thứ 9 sau khi Nữ hoàng qua đời, lễ tang sẽ được tổ chức tại Tu viện Westminster.
Lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia từ Khối thịnh vượng chung và các nước khác sẽ tham dự. Nhiều khả năng người dân sẽ xếp hàng dọc theo tuyến đường dẫn tới nhà tang lễ để vĩnh biệt Nữ hoàng lần cuối.
Ngày tang lễ của Nữ hoàng có thể sẽ trở thành ngày lễ quốc gia và Sở giao dịch chứng khoán London cũng như hầu hết các ngân hàng Anh sẽ đóng cửa.
Vào buổi sáng ngày diễn ra lễ tang, chiếc búa gõ chuông tại tháp đồng hồ Big Ben sẽ được bọc bằng da để không phát ra âm thanh và sẽ có 41 phát đại bác tiễn biệt Nữ hoàng được bắn từ Công viên Hyde.
Khi buổi lễ bắt đầu, các tuyến tàu điện ngầm khắp London sẽ dừng thông báo, xe buýt cũng sẽ tấp vào lề đường.
Cuối cùng, Nữ hoàng sẽ được an táng trong lăng mộ tại Nhà nguyện St George trong khuôn viên Lâu đài Windsor, bên cạnh 10 quân vương trước đây của Anh. Di hài chồng bà, Hoàng thân Philip, người qua đời hồi tháng 4 năm ngoái, sẽ được chuyển từ nơi an nghỉ ban đầu tại Nhà nguyện St George tới đặt cạnh Nữ hoàng.
Một ngày sau khi Nữ hoàng qua đời, Hội đồng Đăng cơ sẽ họp tại Cung điện St James và Thái tử Charles sẽ được tấn phong Quốc vương. Tối cùng ngày, quốc hội Anh sẽ họp để tuyên thệ trung thành với nhà vua mới.
Nữ công tước xứ Cornwall, phu nhân Thái tử Charles, sẽ chính thức trở thành Vương hậu. Hoàng tử William, với tư cách người thừa kế ngai vàng, sẽ được nhận tước hiệu mới là Thân vương xứ Wales.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)