Trong Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân là một trong những vũ khí răn đe được Liên Xô và Mỹ tích cực sử dụng. Điều này cũng dẫn đến nhiều sự cố trong suốt quá trình vận hành tàu ngầm của hai nước, trong đó chiếc K-429 Liên Xô được coi là trường hợp đặc biệt bởi hai lần chìm liên tiếp chỉ trong vòng hai năm.
K-429 là chiếc thứ 10 trong lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình Đề án 670 Skat. Được thiết kế vào thập niên 1960, tàu ngầm Skat dài 95-103 m tùy phiên bản, rộng 10 m, có lượng giãn nước 4.900 tấn và tốc độ 44 km/h khi lặn.
Đề án 670 Skat ban đầu được thiết kế để mang tên lửa diệt hạm P-120 Malakhit với tầm bắn 110 km. Sự chậm trễ trong phát triển vũ khí khiến những chiếc Skat đầu tiên phải sử dụng tên lửa hành trình cận âm P-70 Ametist tầm bắn 65 km mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
Tầm bắn ngắn của P-70 khiến những tàu ngầm lớp Skat phải di chuyển vào khá gần mục tiêu và đối đầu với khí tài săn ngầm của đối phương, nhưng nó vẫn khiến lực lượng NATO phải dè chừng.
K-429 được đưa vào biên chế Hạm đội Thái Bình Dương năm 1972. Đầu năm 1983, nó quay về cảng Petropavlovsk để tiếp liệu và bảo dưỡng. Quá trình này thường kéo dài nhiều ngày, các thủy thủ được rời tàu để nghỉ ngơi, trong khi tên lửa và ngư lôi trên tàu ngầm vẫn được giữ nguyên.
Vào thời điểm này, căng thẳng giữa Moskva và Washington đang ở đỉnh điểm. Mỹ liên tục thăm dò hệ thống phòng không và phòng thủ bờ biển Liên Xô. Tháng 4/1983, Mỹ và một số đồng minh tổ chức tập trận FleetEx '83 ở bắc Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận có sự tham gia của hai nhóm tàu sân bay USS Midway và USS Coral Sea cùng nhiều tàu mặt nước, tàu ngầm khác. Máy bay Mỹ cũng bay qua một số hòn đảo tranh chấp giữa Liên Xô và Nhật Bản. Những hành động khiêu khích từ Washington đã khiến Moskva tìm biện pháp đáp trả.
Tàu ngầm K-429 được lệnh rời cảng và tham gia một cuộc diễn tập trước thời hạn hoàn tất bảo dưỡng, khiến hạm trưởng Nikolai Sovorov không có thời gian để tập hợp đủ thủy thủ đoàn. Ông đành triệu tập thủy thủ từ những tàu ngầm xung quanh để bảo đảm lực lượng. K-429 ra khơi với 120 thủy thủ và hai hạm trưởng, trong đó khoảng một phần ba chưa từng được huấn luyện về tàu ngầm Đề án 670.
Sở chỉ huy yêu cầu K-429 lập tức cơ động tới thao trường phóng ngư lôi trong ngày 23/6/1983, nhưng Suvorov phản đối và thực hiện kiểm tra lặn theo quy trình tác chiến. Khi tiến hành bài kiểm tra đêm đó, hệ thống đồng hồ đo chưa được cân chỉnh khiến chiếc K-429 lặn quá nhanh.
Nhiều thủy thủ không hiểu biết về bể nước dằn của tàu, khiến mệnh lệnh bơm khí nổi khẩn cấp bị thực hiện sai. K-429 mất một nửa lượng khí nén mà không đẩy được nước khỏi các bể dằn, trong khi hơn 420 tấn nước tràn vào khoang mũi tàu vì hệ thống thông gió được mở do bảo dưỡng chưa hoàn tất. Sự cố này khiến 14 người thiệt mạng.
Chiếc tàu ngầm chạm đáy biển ở độ sâu 39 m. Suvorov tin rằng sở chỉ huy trên bờ nắm được thông tin về cuộc kiểm tra lặn của K-429 và sĩ quan trực sẽ phát báo động nếu không nhận được tin báo sau một giờ. Tuy nhiên, vài giờ trôi qua mà không có cuộc giải cứu nào diễn ra, khiến hạm trưởng bắt đầu lo lắng.
Hạm trưởng đi cùng kêu gọi hai thủy thủ tình nguyện bơi lên mặt nước rồi vào bờ báo cáo sự việc. Họ rời tàu qua ống phóng ngư lôi, sau đó cố gắng bơi vào bờ trong điều kiện lạnh giá. Cả hai thủy thủ sau đó bị lực lượng kiểm soát quân sự bắt vì nghi là gián điệp.
Đến trưa 24/6, thông tin về K-429 mới đến được chỉ huy. Hải quân Liên Xô lập tức tiến hành công tác cứu hộ. Thợ lặn tiếp cận K-429 để chuyển các bộ đồ lặn cho thủy thủ đoàn, giúp cho họ thoát khỏi tàu. Có thêm hai thủy thủ thiệt mạng trong quá trình bơi lên mặt nước.
Ba tháng sau tai nạn, hạm trưởng Suvorov bị bắt và kết án 10 năm tù vì vi phạm quy tắc hạm đội. Tuy nhiên, ông chỉ phải thụ án trong ba năm. Nhiều thành viên thủy thủ đoàn K-429 cũng rất bất ngờ khi trở lại cảng nhưng không thấy chiếc tàu ngầm của mình.
Tàu ngầm K-429 không bị hư hỏng nặng, động cơ hạt nhân đã tự động tắt khi sự cố xảy ra. Một trong các thanh điều khiển bị kẹt, khiến động cơ vẫn duy trì hoạt động ở mức 0,5% nhưng không gây rò rỉ chất phóng xạ. Ngày 6/8/1983, tàu được kéo về vùng nước nông và đưa lên ụ sửa chữa, trước khi trở lại biên chế Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu ngầm K-429 chìm lần thứ hai vào ngày 13/9/1985 do sự bất cẩn của các công nhân, khi đã hoàn thành 80% quá trình sửa chữa. Lần này nó cũng được kéo lên nhưng chỉ còn đóng vai trò mô hình học cụ, bị loại biên năm 1987 và rã sắt vụn vào thập niên 1990.
Lã Linh (Theo Natinal Interest)