Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA) do chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa ban hành chủ yếu nhằm trừng phạt Nga và những nước mua vũ khí từ Nga, theo Nikkei.
Trung Quốc trở thành "nạn nhân" đầu tiên của CAATSA, khi Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 9 tuyên bố trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị, cơ quan chuyên trách vấn đề mua bán vũ khí của quân đội Trung Quốc, vì mua tiêm kích Su-35 và tên lửa S-400 của Nga.
Nga lập tức lên tiếng phản đối, cáo buộc Mỹ đang tìm cách làm xói mòn ổn định toàn cầu, trong khi Bắc Kinh cho rằng các biện pháp trừng phạt này không phù hợp với luật pháp quốc tế và mang mục đích can thiệp vào công việc nội bộ của hai quốc gia có chủ quyền.
Tuy nhiên, Ian Storey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ có tác động nhỏ đến mối quan hệ Nga -Trung. CAATSA có thể ngăn Trung Quốc mua vũ khí từ Mỹ hoặc tiếp cận với hệ thống tài chính Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã không mua vũ khí nào của Mỹ từ năm 1989 tới nay và các thương vụ quốc phòng giữa Moskva và Bắc Kinh không liên quan đến các ngân hàng Mỹ.
Các "nạn nhân" khác có thể phải hứng chịu hậu quả lớn hơn từ đạo luật này là nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, nơi Nga đang chiếm lĩnh thị phần vũ khí và cũng là những đồng minh, đối tác quan trọng của Mỹ.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2010-2017, Nga đã bán cho Đông Nam Á tới 6,64 tỷ USD vũ khí (chiếm 12% doanh số toàn cầu của Moskva) so với 4,58 tỷ USD của Mỹ (chỉ 6% doanh số toàn cầu của Washington).
Trước những thách thức địa chính trị ngày một lớn trong khu vực, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có các đồng minh của Mỹ như Thái Lan và Philippines, đang tìm cách tăng cường mua bán thiết bị quân sự của Nga. Lợi thế cạnh tranh chính của vũ khí Nga là chất lượng cao, khả năng hoạt động bền bỉ với giá cả phải chăng hơn so với sản phẩm từ Mỹ. Bên cạnh đó, vũ khí Nga đã chứng minh được hiệu quả thực tế thông qua những lần "thử lửa" trên chiến trường Syria.
Một lý do nữa mà các nước Đông Nam Á chuộng vũ khí Nga hơn Mỹ là Moskva không đưa ra các điều kiện ràng buộc trong những thương vụ này. Mỹ từng cấm bán vũ khí cho Indonesia vì cáo buộc Jakarta vi phạm nhân quyền ở Timor Leste và phía tây New Guinea từ thập niên 1990, khiến phần lớn vũ khí Mỹ trong biên chế quân đội Indonesia ngày càng cũ kỹ mà không có phụ tùng, thiết bị thay thế.
Năm 2016, Mỹ cũng tuyên bố hủy thương vụ bán 26.000 súng trường tấn công cho Philippines vì chỉ trích cuộc chiến chống ma túy gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Rodrigo Duterte. Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố viện trợ số lượng lớn súng trường cho Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là người phản đối CAATSA vì ông cho rằng nó mâu thuẫn với Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 của chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong đó khẳng định việc đối phó với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở châu Á đòi hỏi Mỹ phải tăng cường quan hệ với các nước có mua vũ khí Nga.
Mattis đã cố gắng vận động hành lang để quốc hội Mỹ cho phép Tổng thống Donald Trump miễn trừ áp dụng CAATSA cho một số quốc gia mua vũ khí Nga nhưng có quan hệ tốt với Mỹ. Ông cho rằng nếu Mỹ khăng khăng áp dụng CAATSA, các nước ở Đông Nam Á sẽ bị mất cơ hội mua vũ khí Mỹ và có quan hệ quốc phòng càng mật thiết hơn với Nga.
Tuy nhiên, quốc hội Mỹ chỉ chịu nhượng bộ một phần, khi cho phép Tổng thống Trump đề xuất việc miễn trừ áp dụng CAATSA cho một số quốc gia mua vũ khí Nga, với điều kiện chính quyền Trump phải chứng minh được rằng các nước này cam kết giảm mua sắm quốc phòng từ Moskva hoặc đang hợp tác với Washington trong các vấn đề "quan trọng với lợi ích chiến lược của Mỹ".
Việc yêu cầu các nước Đông Nam Á cam kết giảm mua sắm vũ khí Nga là nhiệm vụ rất khó khăn với chính quyền Trump. Sau nhiều thập kỷ mua nhiều vũ khí Nga, các nước này đã hình thành quan hệ quốc phòng khăng khít với Moskva, một số nước cũng không đủ tiềm lực tài chính để mua các vũ khí đắt đỏ của Mỹ. Ngoài ra, hầu hết các nước trong khu vực đều không muốn bị phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp vũ khí duy nhất.
Việc tự phát triển công nghiệp quốc phòng được coi là quá sức với các nước Đông Nam Á, khi họ chưa đủ năng lực về tài chính lẫn công nghệ. Họ có thể tìm đến các hãng châu Âu, nhưng vũ khí châu Âu thường đắt đỏ và cũng có nhiều điều kiện ràng buộc.
Một lựa chọn khác với các nước Đông Nam Á là vũ khí Trung Quốc. Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2017 mới chỉ bán được 1,88 tỷ USD vũ khí trong khu vực, nhưng mọi chuyện đang thay đổi khi họ có nhiều đơn hàng bán tàu ngầm cho Thái Lan, tàu chiến cho Malaysia, trong khi Philippines cũng đang cân nhắc mua một số khí tài của Trung Quốc.
Bởi vậy, chuyên gia Storey cảnh báo rằng nếu CAATSA được Mỹ thực thi một cách gắt gao nhằm "cấm đoán" vũ khí Nga tiếp cận với thị trường Đông Nam Á, hậu quả là các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào Moskva và tăng thị phần vũ khí cho Bắc Kinh, quốc gia mà Washington đang tìm cách chống lại sự mở rộng ảnh hưởng.
Minh Anh