Lúc Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố này hồi tháng 9, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã phỏng vấn hàng chục nhân chứng, nhưng cuộc điều tra luận tội dường như vẫn dẫm chân tại chỗ. Các cố vấn của Trump tin rằng Nhà Trắng không có lý do gì để công bố nội dung cuộc điện đàm và việc công khai nó cũng không lập tức minh oan được cho Trump.
Một số người còn cho rằng việc công khai nội dung cuộc điện đàm hôm 25/7 giữa Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một thảm họa.
Nhiều thân tín của Trump, bao gồm thượng nghị sĩ Lindsey Graham, khuyên Tổng thống nên để các luật sư và chuyên gia truyền thông giải quyết vấn đề điều tra luận tội. Tuy nhiên, kể từ khi Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra hồi tháng 9, Trump đã thường xuyên chỉ trích, gọi đây là "cuộc săn phù thủy" trong hầu hết mọi sự kiện và tweet về nó mỗi ngày để tự bảo vệ mình.
Trump còn nêu vấn đề điều tra luận tội trong các cuộc họp với những lãnh đạo tôn giáo hay nghị sĩ. Họ tới Nhà Trắng để thảo luận nhiều vấn đề khác, nhưng cuối cùng phải lắng nghe Tổng thống trút giận về đảng Dân chủ.
Tại Nhà Trắng và các trụ sở chiến dịch tái tranh cử của Trump, mọi sự tập trung đều đổ dồn vào cuộc điều tra luận tội, gây cản trở nỗ lực giải quyết những vấn đề khác. Các mục tiêu chính sách mà Tổng thống từng hy vọng hoàn thành vào mùa thu năm nay, như cải cách giá thuốc và một số hình thức kiểm soát súng đạn, bị gạt sang một bên.
Hôm 1/11, khi được hỏi ai đang chịu trách nhiệm quản lý vấn đề điều tra luận tội Tổng thống, cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway cho biết đó chính là Trump. "Câu trả lời chính là Tổng thống. Nhiều người đang làm việc trong vấn đề này, nhưng chúng tôi còn nhiều vấn đề của nước Mỹ cần giải quyết, không bao gồm cuộc điều tra luận tội", bà cho hay.
Trump dường như còn muốn "tự vệ" mạnh mẽ hơn khi đề nghị các trợ lý sắp xếp thêm nhiều buổi vận động chính trị, nơi ông có thể lên tiếng về sự vô tội của mình với đám đông ủng hộ. Chiến dịch tái tranh cử của ông đã lên lịch cho một loạt sự kiện trong vài tuần tới. Nhà Trắng cũng dự định tổ chức một số sự kiện để tạo điều kiện cho Trump phát biểu.
Lịch trình này được cho là cơ hội để Trump lan truyền thông điệp "tự bào chữa" của mình, bên cạnh việc vận động cho các ứng viên trong cuộc bầu cử thống đốc bang Louisiana, Kentucky và Mississippi sắp tới. "Truyền thông và đảng Dân chủ đã cấu kết với nhau trong một mối quan hệ tồi tệ, nhằm cố gắng áp đặt ý chí của họ và cản trở nền dân chủ Mỹ. 'Luận tội' là điều tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp phải", Trump phát biểu tại thành phố Tupelo, bang Mississippi hôm 1/11.
Trong những cuộc họp kín, Trump bày tỏ thất vọng khi nhiều thành viên đảng Cộng hòa không lên tiếng về sự vô tội của ông mạnh mẽ như cách ông bảo vệ bản thân, đồng thời thắc mắc tại sao các đồng minh tại thượng viện vẫn thận trọng khi đánh giá về hành động của ông. Không có nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa cam kết sẽ bảo vệ Trump, ngay cả khi hầu hết họ cho rằng không nên luận tội và phế truất Tổng thống.
Chiến lược ban đầu của các quan chức Nhà Trắng là "phớt lờ" cuộc điều tra luận tội, với lý do nó chưa được Hạ viện chính thức bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, bản thân Trump lại tỏ ra nghi ngại cách tiếp cận này, khi liên tục khẳng định ông không làm gì sai và đảng Cộng hòa nên bảo vệ ông trước những lời vu khống.
Nhưng sau khi Hạ viện hôm 31/10 bỏ phiếu thông qua cuộc điều tra, cách làm này dần tỏ ra không hiệu quả. Cuộc bỏ phiếu giúp thiết lập quy trình pháp lý cho việc điều tra luận tội, có khả năng cản trở những nỗ lực giúp Trump theo hướng này.
Chính quyền Trump khó lòng tiếp tục "ngó lơ" cuộc điều tra luận tội, đặc biệt sau khi Alexander Vindman, giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, hôm 29/10 trở thành quan chức Nhà Trắng đương nhiệm đầu tiên ra làm chứng trước quốc hội trong vòng hơn 10 giờ.
Một số quan chức khác cũng đang đối mặt với các phiên điều trần, như luật sư thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia John Eisenberg và cấp phó Michael Ellis. Tuy nhiên, hai người này nhiều khả năng sẽ không ra làm chứng trước Hạ viện.
Trong khi Nhà Trắng cố gắng ngăn việc có thêm người ra làm chứng trong cuộc điều tra luận tội, chiến dịch tái tranh cử của Trump dường như lại cố tìm cách tận dụng nó để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri bằng cách kêu gọi họ bảo vệ Tổng thống.
Trụ sở tại Arlington, bang Virginia của chiến dịch đã dành riêng một khu vực để thực hiện các hoạt động bảo vệ Trump và công kích cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Theo các quan sát viên, dù không có kế hoạch truyền thông tổng thể hoặc chiến lược pháp lý rõ ràng, đội ngũ của Trump ít nhất cũng đã trở nên "điêu luyện" hơn trong việc đáp ứng những chỉ đạo của Tổng thống. Sau khi Trump gợi ý trong một cuộc phỏng vấn chiều 31/10 rằng ông có lẽ nên bán những chiếc áo phông có dòng chữ "Hãy đọc nội dung (điện đàm)", chiến dịch của ông đã bán chúng trên website ngay sáng hôm sau.
Chiến dịch cũng cho biết họ đã huy động được 3 triệu USD vào ngày diễn ra bỏ phiếu thông qua điều tra luận tội tại hạ viện, củng cố thêm lợi thế đáng kể về tài chính của Trump so với các đối thủ Dân chủ, khi chỉ một năm nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Lợi thế này giúp chiến dịch của Trump có điều kiện tăng cường quảng cáo trên truyền hình quốc gia vào những khung giờ vàng. Hiện tại, họ tập trung chỉ trích phe Dân chủ vì quá "ám ảnh" với việc luận tội và các cuộc điều tra "giả mạo" mà bỏ qua những vấn đề thực sự của đất nước.
"Nhưng điều đó không ngăn cản được Donald Trump. Ông ấy không phải một người nhã nhặn, nhưng đôi khi chúng ta cần một Donald Trump để thay đổi Washington", một đoạn quảng cáo cho hay.
Ánh Ngọc (Theo CNN)