Trong bóng tối xung quanh thôn Bác Xã, thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông đêm 29/12/2013, hàng nghìn cảnh sát vũ trang Trung Quốc cùng nhiều xuồng cao tốc, trực thăng ém mình chờ đợi. Đúng 4 giờ sáng, mệnh lệnh đột kích được phát ra, khi điện bị cắt và toàn bộ ánh sáng trong thôn vụt tắt.
Trực thăng cất cánh, rọi đèn pha sáng rực dẫn đường cho các đơn vị đặc nhiệm tiến vào Bác Xã, ngôi làng khét tiếng là "pháo đài ma túy đá" của Trung Quốc. Đây từng là nơi bất khả xâm phạm với cảnh sát nước này, khi dân làng sẵn sàng ném gạch đá vào bất cứ nhân viên công vụ nào bén mảng tới, trong khi các quan chức chính quyền của thôn luôn mật báo trước với những lò sản xuất ma túy đá về các chiến dịch đột kích đang được lên kế hoạch.
Trong đợt đột kích được tiến hành trên toàn tỉnh Quảng Đông với sự tham gia của hơn 3.000 cảnh sát lần này, nhà chức trách Trung Quốc bắt 182 nghi phạm trong 18 đường dây ma túy, tịch thu tới 2.925 kg ma túy đá và 260 kg ketamine và 23 tấn nguyên liệu thô, biến nó trở thành chiến dịch chống ma túy có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Đông.
Kẻ cầm đầu "pháo đài" ở Bác Xã chính là Thái Đông Gia (Cai Dongjia), bí thư chi bộ thôn, được truyền thông Trung Quốc gọi là "bố già ma túy đá" điều hành và bảo kê toàn bộ hoạt động sản xuất ma túy ở thôn.
Ngôi biệt thự của Thái tại thôn Bác Xã được ví như một lâu đài với những đồ nội thất bằng gỗ sưa đỏ bày khắp nơi. Sau khi trở thành bí thư chi bộ thôn, người đàn ông 51 tuổi này tham gia hoạt động sản xuất ma túy trong vài năm, nhưng sau đó chuyển dần sang hoạt động với vai trò che giấu, bảo kê cho những kẻ sản xuất ma túy khác trong làng.
Lục Phong ban đầu chỉ là một thành phố nghèo với hoạt động sản xuất chính chỉ là đánh bắt cá và canh tác quy mô nhỏ, đem lại cho các hộ gia đình thu nhập bình quân mỗi tháng chỉ khoảng 1.000 tệ (165 USD). Nhưng từ cuối thập niên 2000, hoạt động sản xuất ma túy bắt đầu xuất hiện ở thành phố, đem lại nguồn nhập khổng lồ cho người dân, đặc biệt là ở những thôn làng biệt lập như Bác Xã. Năm 2011, nhà chức trách Trung Quốc ước tính 14% số ma túy đá thu được trên toàn quốc được sản xuất ở Lục Phong, tỷ lệ này tăng lên tới hơn 40% trong năm 2014.
Thôn Bác Xã có dân số chỉ khoảng 14.000 người, với nhiều ngôi nhà kiểu cũ cùng những ngõ hẻm chằng chịt. Hai con đường dẫn vào làng hẹp tới mức chỉ đủ ôtô tránh nhau. Địa thế như vậy khiến dân Bác Xã rất dễ phát hiện người ngoài tiến vào, trong khi nhà chức trách rất khó xâm nhập để nắm bắt tình hình.
Hơn 1/5 hộ gia đình trong thôn có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động sản xuất ma túy, ngay cả các em nhỏ trong thời gian nghỉ hè cũng được yêu cầu tỏa đi tới các hiệu thuốc để mua những loại thuốc có chứa thành phần phục vụ cho hoạt động sản xuất ma túy đá và kiếm được tới 10.000 tệ mỗi tháng.
Thôn này cắt cử người cảnh giới thường xuyên túc trực bên ngoài và sẵn sàng báo động khi có người lạ xuất hiện, trong khi một số tay "xã hội đen" dùng súng và lựu đạn uy hiếp những băng nhóm muốn cạnh tranh địa bàn ở thôn. Xe của đồn cảnh sát trong thôn được dùng để vận chuyển ma túy, giúp đường dây tội phạm này "có sự bảo kê gần như tuyệt đối".
Khi hoạt động sản xuất ma túy ở Bác Xã được mở rộng theo thời gian, hàng đống chất thải từ quá trình chế ma túy đá bị đổ ngay trên đường hoặc cánh đồng gần đó, gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước và đất đai xung quanh.
"Các ruộng rau chết sạch, trang trại trồng vải cũng thế", một số dân làng kể về hậu quả ô nhiễm từ hoạt động sản xuất ma túy đá. Những đống chất thải từ lò sản xuất ma túy đá chất cao tới hai mét, bốc mùi hóa chất khó chịu, trong khi nguyên liệu dùng để chế tạo ma túy được dân làng chất ngay trong nhà hoặc trong hẻm, khi họ không đủ chỗ để cất trữ.
"Rất dễ nhận ra những đống rác này là từ hoạt động sản xuất ma túy đá, vì bạn chỉ cần nhìn vào màu sắc của nước thải chảy ra từ chúng", cảnh sát cho biết. Hoạt động điều chế ma túy đá cũng ngốn rất nhiều điện, khiến hệ thống đường dây cũ kỹ trong thôn bị quá tải, dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên, có khi kéo dài tới hai tuần.
Trong 6 năm nhiệm kỳ bí thư chi bộ thôn của Thái Đông Gia, cảnh sát Quảng Đông đã nhiều lần tìm cách điều tra hoạt động sản xuất ma túy ở khu vực này. Nhưng mỗi lần nhà chức trách lên kế hoạch điều tra, Thái lại sử dụng vị trí của mình để cản trở hoặc báo trước cho những kẻ sản xuất ma túy đi "lánh nạn".
Một nhà hoạt động chống ma túy từng tiếp xúc với Thái cho biết mỗi lần cảnh sát vào thôn để truy bắt tội phạm ma túy, khoảng 200-300 người đi xe máy lập tức kéo đến bao vây, đinh được rải trên đường làng và gạch đá được ném ra tới tấp từ các ngôi nhà đóng cửa. Một số dân làng còn tàng trữ cả lựu đạn và súng tự chế để đe dọa người thực thi công vụ.
Khi có xô xát xảy ra, Thái sẽ ra mặt nói chuyện với dân làng và khuyên họ giải tán. "Rõ ràng là ông ta có uy thế với dân làng, nhưng nhà chức trách lúc đó không biết uy thế đấy Thái có được là nhờ việc bảo kê cho hoạt động sản xuất ma túy", người này nói.
Sau khi Thái bị bắt trong chiến dịch đột kích hôm 29/12/2013, nhà chức trách tỉnh Quảng Đông còn phát hiện nhiều quan chức địa phương khác bảo kê cho hoạt động sản xuất ma túy ở Bác Xã, trong đó có ba đồn trưởng cảnh sát, một số cảnh sát viên và một chỉ huy đội phòng chống ma túy thành phố Lục Phong.
Phòng Phòng chống Ma túy thuộc Sở Công an Quảng Đông cho hay hai cảnh sát đã bị trừng phạt vì lái xe cảnh sát chở ma túy ra khỏi thôn Bác Xã hoặc tham gia vào đường dây mua bán ma túy. "Lương cảnh sát ở đây không cao và họ phải thực hiện công việc khó khăn. Họ chỉ được nhận 2000 tệ mỗi tháng và có thể cảm thấy bất công khi chứng kiến những người khác trong thôn mua nhà, tậu xe hơi", một sĩ quan cảnh sát Quảng Đông nói.
Bình luận viên Su Shaoxin viết trên tờ Shanghai Observer rằng lý do cả thôn Bác Xã cùng tham gia vào hoạt động sản xuất ma túy không chỉ do họ có quan hệ ruột thịt, mà vì đây là hoạt động giúp họ thu về siêu lợi nhuận.
"Với dân Bác Xã, sản xuất ma túy hay đi nhặt rác cũng chẳng khác gì nhau. Họ không coi việc kiếm sống là tội lỗi", Su viết. "Ngoài ra, vì ngôi làng biệt lập với phần còn lại của xã hội và người dân không có nhiều cơ hội được ăn học và kiếm việc làm nên họ không có nhiều kỹ năng kiếm sống".
Đế chế tội lỗi do Thái Đông Gia cầm đầu hoàn toàn sụp đổ sau cuộc đột kích quy mô lớn. "Bố già" bị đưa ra xét xử và bị kết án tử hình vào năm 2016 với tội danh sản xuất, buôn bán 180 kg ma túy đá. Tòa án còn phán quyết rằng Thái đã tìm cách hối lộ cảnh sát để trả tự do cho những kẻ buôn ma túy bị bắt.
Sau khi đơn kháng cáo bị bác, Thái bị tử hình hồi tháng 1/2019. Trong khi đó, nhịp sống bình thường đã trở lại với thôn Bác Xã, khi chính quyền thành phố Lục Phong cử các nhóm chuyên gia tới đây để giúp dân làng quay lại với nghề đánh bắt cá và trồng trọt, cũng như khuyến khích họ rời làng để tìm việc.
Thành Nguyễn (Theo Global Times, BBC, Telegraph)