Báo Mỹ Washington Post ngày 6/1 dẫn các nguồn thạo tin cho hay chính quyền Tổng thống Joe Biden đang mong muốn lãnh đạo Ukraine từ bỏ quan điểm khước từ đàm phán với Nga khi Tổng thống Vladimir Putin còn tại nhiệm.
Dù nhận định rằng Nga "chưa có ý định đàm phán nghiêm túc", các quan chức Mỹ cho rằng sắc lệnh không đàm phán với Nga của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gây lo ngại ở châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ, nơi chiến sự ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thực phẩm, nhiên liệu.
Các quan chức Mỹ cho hay đây là nỗ lực nhằm đảm bảo Kiev tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác trong bối cảnh chiến sự có nguy cơ kéo dài nhiều năm. "Một số đối tác của chúng tôi cảm thấy kiệt sức vì Ukraine", các quan chức Mỹ nói.
Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Thông tin này cho thấy quan điểm của giới chức Mỹ đối với Ukraine gần đây phức tạp thế nào. Phía Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine "tới chừng nào chiến sự kết thúc", song cũng bày tỏ hy vọng giải quyết xung đột vốn gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế thế giới và gây ra lo ngại về chiến tranh hạt nhân.
Trong chuyến công du tới thủ đô Kiev ngày 4/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nước này "ủng hộ nền hòa bình công bằng và lâu dài cho Ukraine", đồng thời khẳng định Washington tiếp tục hỗ trợ Kiev bất kể kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ. Ông Sullivan cho rằng chiến sự có thể kết thúc dễ dàng khi Nga ngừng tiến công và rút khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine mà họ kiểm soát.
Ukraine từng tham gia các cuộc đàm phán với Nga, nhưng không đạt được kết quả. Sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh miền đông và miền nam Ukraine hồi cuối tháng 9, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh cấm đàm phán với Nga khi ông Putin còn nắm quyền.
Ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng từ xung đột Ukraine kéo dài. Trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết Liên Hợp Quốc lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, Nam Phi bỏ phiếu trắng và tuyên bố thế giới cần tập trung vào thúc đẩy đàm phán ngừng bắn và đạt giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Tổng thống đắc cử Brazil Inacio Lula da Silva nói rằng ông Zelensky "chịu trách nhiệm trong cuộc xung đột" với Nga. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình trong cuộc điện đàm với ông Zelensky hồi tháng 10, song Tổng thống Ukraine cự tuyệt.
Dù các lãnh đạo Ukraine từ chối đàm phán với ông Putin và tuyên bố "chiến đấu đến cùng" để tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, nhiều quan chức Mỹ tin rằng ông Zelensky "rốt cuộc có thể chấp nhận thương lượng và nhượng bộ". Họ cũng tin rằng Ukraine sẽ cố gắng đạt nhiều thành quả nhất có thể về mặt quân sự trước khi mùa đông bắt đầu, thời điểm có thể tạo ra cơ hội cho biện pháp ngoại giao.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)