Hơn 60 trong tổng số 105 thành viên hạ viện bang Alabama, Mỹ ngày 2/4 đệ trình dự luật cấm tất cả các hành vi phá thai, thậm chí còn hình sự hoá việc phá thai trong trường hợp nạn nhân bị hãm hiếp hoặc loạn luân. Bác sĩ thực hiện việc phá thai sẽ bị quy phạm tội nghiêm trọng cấp độ A.
Dự luật quy định mức phạt tù 10-99 năm đối với hành vi phá thai, mức án bị các nhà hoạt động coi như "án tử hình" đối với phụ nữ ở bang đông nam nước Mỹ này. Dự luật chỉ cho phép phá thai đối với các trường hợp đe dọa đến tính mạng thai phụ.
"Hơn 50 triệu bào thai Mỹ đã bị phá bỏ kể từ khi có phán quyết về án lệ Roe năm 1973", dự luật có đoạn, đề cập đến phán quyết vụ kiện "Roe chống lại Wade" do Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra năm 1973. Trong vụ kiện, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố phá thai là một trong những quyền con người căn bản của phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên tu chính án số 14. Án lệ này được coi là văn bản pháp luật cao nhất ở Mỹ hiện nay trong vấn đề phá thai.
"Dự luật này chỉ đơn giản coi việc phá thai là phạm tội", Terri Collins, nghị sĩ đảng Cộng hòa bảo trợ cho dự luật, nói. "Hy vọng nó sẽ đến được Tòa án Tối cao để đảo ngược án lệ Roe". Bà giải thích thêm rằng dự luật này nhằm gây sức ép để Tòa án Tối cao xem xét lại vấn đề nạo phá thai.
Trước Alabama, nhiều bang ủng hộ đảng Cộng hòa ở Mỹ đã đưa ra các luật cấm phá thai nghiêm ngặt, trong đó bang Kentucky và Missisippi cấm phá thai khi tim thai xuất hiện. Các bang như Georgia và Nam Carolina cũng có thể đưa ra lệnh cấm tương tự.
Thống đốc bang Georgia đang cân nhắc việc ký dự luật cấm phá thai có tim thai. Hơn 50 diễn viên Hollywood đã gửi thư đe doạ ngừng làm ăn ở bang vốn được xem là "vương quốc" sản xuất phim và các chương trình truyền hình này nếu lệnh cấm phá thai được ban hành.
Không ít ý kiến cho rằng đảng Cộng hoà đang tiến hành một cuộc chiến pháp lý không cần thiết, nguy cơ tốn kém và vô ích liên quan tới việc chống phá thai. Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ nhân quyền lại cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tấn công vào quyền sinh sản của phụ nữ, khi sắp xếp các nhà hoạt động chống phá thai vào những vị trí quan trọng trong cơ quan chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và cắt giảm ngân sách cho các dịch vụ y tế thực hiện hoạt động này.
Mai Lâm (Theo Independent)