Tuyệt vọng và nghèo khổ, người mẹ đã có 5 con Zemeena ở thành phố Peshawar, tây bắc Pakistan phải đối mặt với lựa chọn phá thai chui hoặc mạo hiểm mạng sống để sinh đứa con thứ 6.
Cuối cùng, cô lựa chọn cách đầu tiên, trở thành một trong số hơn hai triệu phụ nữ phá thai chui mỗi năm ở Pakistan, đất nước mà các lãnh đạo tôn giáo chỉ trích kịch liệt những biện pháp kế hoạch hóa gia đình, trong khi người dân không được giáo dục giới tính đầy đủ và ít được tiếp cận với các biện pháp tránh thai, theo AFP.
Gần một nửa số ca mang thai ở Pakistan mỗi năm, tương đương 4,2 triệu ca, là "vỡ kế hoạch" và khoảng 54% số này kết thúc trong các phòng phá thai, theo Viện nghiên cứu Guttmacher của Mỹ.
"Ba năm trước tôi sinh con gái, bác sĩ khuyên tôi không nên đẻ nữa vì sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe", Zameena tâm sự. "Nhưng mỗi lần tôi bảo với chồng, anh ấy lại nói tôi hãy tin vào thần linh", người phụ nữ 35 tuổi nói. "Chồng tôi là người sùng đạo, anh ấy muốn có nhiều con trai".
Nhiều thập niên trước, chiến dịch kế hoạch hóa gia đình mang khẩu hiệu "hai con là đủ" bị các lãnh đạo tôn giáo cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc Pakistan phản đối kịch liệt. Họ muốn dân số đất nước đông hơn để cạnh tranh với nước láng giềng Ấn Độ có 1,2 tỷ dân.
Ngày nay, với dân số 207 triệu người, số trẻ sơ sinh ở Pakistan đang bùng nổ, trong khi nhiều nguồn lực của đất nước không đáp ứng kịp nhu cầu này. Các chuyên gia cảnh báo đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn phía trước.
Zemeena cho biết cô thường xuyên đề nghị chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhưng anh từ chối. "Mẹ chồng tôi có 9 đứa con", cô cho hay. "Mỗi lần tôi phàn nàn với chồng rằng mình không thể đẻ thêm nữa, anh ấy lại nói: 'Nếu mẹ anh không chết vì đẻ nhiều, em cũng sẽ sống tốt'".
Pakistan cho phép phá thai, nếu cái thai đe dọa sức khỏe người mẹ. Nhưng nhiều bác sĩ viện dẫn đức tin Hồi giáo và từ chối phá thai. Do đó, nhiều phụ nữ buộc phải phá thai chui và chính quyền nhắm mắt làm ngơ.
Cách phá thai phổ biến nhất là dùng Misoprostol, một loại thuốc không kê đơn giúp đào thải phôi thai, nhưng gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ.
Tổ chức phi chính phủ Aware Girls thường xuyên tư vấn cho những người gọi tới đường dây nóng hỏi cách sử dụng thuốc an toàn và khi nào cần đi cấp cứu hoặc tới bệnh viện điều trị. "Đa số chúng ta đều hiểu phụ nữ có thể chết vì phá thai", Gulalai Ismail, người đồng sáng lập tổ chức cho hay.
Zameena là một trong số những người may mắn, bởi cô biết đi đâu tìm giúp đỡ khi quyết định chấm dứt thai kỳ. Ở phía bên kia của đường dây nóng, tư vấn viên Ayeesha đã trấn an và khuyên cô dùng loại thuốc nào với liều lượng bao nhiêu. Tổ chức Aware Girls cho hay họ luôn nhấn mạnh phụ nữ không bao giờ được ở một mình khi thực hiện thủ thuật phá thai.
"Công việc của tôi đã cứu mạng nhiều phụ nữ. Khi họ gọi tới, nghĩa là họ đã sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để phá thai", tư vấn viên 26 tuổi giải thích.
Ayeesha ước tính mỗi tháng cô nhận được 350 cuộc gọi. Đa số những người gọi tới đều thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai. Sử dụng bao cao su, phương pháp phổ biến nhất thể giới, bị hạn chế ở Pakistan và ngay cả khi mua được, nó cũng đòi hỏi sự đồng ý của người đàn ông.
Theo thống kê của chính phủ, chỉ 35% phụ nữ Pakistan sử dụng những biện pháp kiểm soát sinh đẻ không phá thai, dù những biện pháp này không tốn kém. Ví dụ thuốc tránh thai có giá chỉ 20 rupee (0,14 USD), còn que cấy tránh thai chỉ 400 rupee (2,9 USD).
Tuy nhiên, kiểm soát dân số luôn là vấn đề gây tranh cãi ở Pakistan, nơi người dân thích gia đình đông con cháu. Zeba Sathar, nhà nhân khẩu học của tổ chức phi chính phủ Hội đồng Dân số, coi thái độ tiêu cực với chuyện phá thai của chính quyền Pakistan là "thất bại hệ thống".
Hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Imran Khan thừa nhận chính quyền đã thiếu ý thức chính trị về vấn đề này và hứa sẽ thực hiện các chiến dịch phổ biến kiến thức phòng tránh thai qua truyền thông, điện thoại đi động, trường học và nhà thờ. "Những người bảo vệ luật Hồi giáo đóng vai trò quan trọng", ông nhấn mạnh.
Nhưng Hội đồng Tư tưởng Hồi giáo Pakistan, cơ quan tôn giáo tư vấn cho chính phủ, lại nói kiểu khác. Cơ quan này tuyên bố kế hoạch hóa gia đình là chống lại các tư tưởng Hồi giáo.
"Chiến dịch kiểm soát sinh đẻ cấp chính phủ cần phải chấp dứt ngay, chương trình kế hoạch hóa gia đình cũng phải bị loại khỏi chương trình phát triển kinh tế quốc gia", trích tuyên bố từ hội đồng.
Tổ chức từ thiện Marie Stopes, cơ quan có những phòng khám nhỏ chăm sóc bệnh nhân sau phá thai, cho biết khách hàng điển hình của họ là phụ nữ trong độ tuổi 30, lấy chồng từ năm 18 tuổi, nghèo, ít học, có ít nhất ba con.
Những phụ nữ như thế đến với Marie Stopes sau khi suýt chết vì thử những phương pháp phá thai lạc hậu. "Họ đang chết vì thiếu kiến thức", Xaher Gul, giám đốc điều hành tại Marie Stopes, nói.
Năm 2012, Viện Guttmacher ước tính có 2,25 triệu ca phá thai ở Pakistan, với 623.000 phụ nữ gặp biến chứng. "Chúng tôi đã thất bại trong việc phổ biến kiến thức cho phụ nữ ở đất nước này", Hassan Mohtashami, cựu giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ở Pakistan, bày tỏ. "Phá thai không phải là biện pháp kế hoạch hóa gia đình".