Triệu Hiểu Tinh, 48 tuổi, bác sĩ khoa ngoại lồng ngực, bệnh viện Nhân Tề, thành phố Thượng Hải, hôm 24/4 xảy ra mâu thuẫn với người nhà bệnh nhân. Sau khi chồng của một bệnh nhân cố chen ngang và xông vào phòng điều trị, bác sĩ Triệu từ chối gặp, yêu cầu ông này rời khỏi phòng. Mâu thuẫn gia tăng và ẩu đả xảy ra.
Trong video được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, cảnh sát được gọi tới bệnh viện, kéo bác sĩ Triệu ra hành lang, quật ngã ông xuống sàn, còng tay và đưa đi thẩm vấn bất chấp sự chống cự của ông cũng như sự can ngăn của các đồng nghiệp.
Cảnh sát quận Phổ Đông, Thượng Hải hôm 26/4 cho hay người chồng họ Hàn, 60 tuổi, của nữ bệnh nhân họ Trần, bị gãy một xương sườn trong vụ ẩu đả, còn bác sĩ Triệu bị bầm tím ở cánh tay và cổ.
Trong video, một số bệnh nhân chỉ trích cảnh sát quá mạnh tay, cho rằng họ đi rất xa để tới đây nhờ bác sĩ Triệu khám bệnh và không cho anh rời đi. Bác sĩ Triệu được quay lại bệnh viện sau 15 phút thẩm vấn.
Cảnh sát cho rằng việc sử dụng vũ lực là cần thiết bởi bác sĩ Triệu từ chối đi cùng họ tới đồn thẩm vấn với lý do còn phải khám cho nhiều bệnh nhân. Họ cho phép anh 20 phút để sắp xếp bác sĩ thay thế nhưng Triệu vẫn từ chối hợp tác, buộc họ phải còng tay và lôi ông đi.
Tranh cãi sau đó nổ ra trên báo chí và mạng xã hội Trung Quốc. Hiệp hội Bác sĩ Trung Quốc hôm 27/4 cho rằng không nên xử lý xung đột giữa bác sĩ và bệnh nhân như tranh chấp dân sự thông thường.
"Áo choàng trắng của bác sĩ và đồng phục xanh của cảnh sát là hai dấu hiệu về những nghề nghiệp đáng tin cậy. Họ nên hỗ trợ và hợp tác với nhau", tuyên bố của hiệp hội có đoạn. "Tôn trọng nhân viên y tế không nên chỉ là khẩu hiệu, mà cần được thể hiện trong các hành động thực thi pháp luật. Cảnh sát nên cân nhắc việc còng tay nhân viên y tế vì sự tôn trọng".
Trưởng phòng cảnh sát quận Phổ Đông nói rằng việc còng tay là hợp pháp, nhưng chưa hợp lý. "Làm thế nào để cân bằng giữa lý và tình, cứng nhắc và linh hoạt, là những gì chúng tôi phải làm và cải thiện trong công việc", ông nói.
People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài bình luận về sự cố và cho rằng các bên đều nên xem xét lại. "Nếu bệnh nhân có ý thức tuân thủ quy định, bác sĩ hiểu rõ quy trình thực thi pháp luật và cảnh sát thông cảm với công việc vất vả của bác sĩ, kết quả sẽ không như thế này", trích bài viết.
Trong lúc đó, các bác sĩ đều lên tiếng ủng hộ đồng nghiệp trên mạng xã hội.
"Tại sao cảnh sát lại còng tay bác sĩ? Thật nực cười", một bác sĩ phẫu thuật viết trên Dxy.cn, trang web y tế hàng đầu Trung Quốc. "Nếu bệnh nhân nào cũng không xếp hàng, chẳng phải mọi thứ đều loạn sao? Có gì sai nếu bác sĩ cố duy trì trật tự tại nơi làm việc của mình? Tôi cảm thấy chúng tôi, với tư cách là bác sĩ, không có quyền cơ bản".
"Bác sĩ là nhóm người bị tổn thương nhất sau sự việc này, sau đó tới cảnh sát và cuối cùng là bệnh nhân. Tôi cho rằng phải trừng phạt hai vợ chồng kia, nêu tên tuổi công khai", một người khác viết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với những ý kiến trên. "Dù bác sĩ có giỏi tới đâu cũng không thể làm ngơ luật pháp. Mọi người, kể cả bác sĩ, đều bình đẳng trước pháp luật. Tôi ủng hộ cảnh sát", một người khác bình luận trên WeChat, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)