Trời chưa sáng, gần 100 người đã tới xếp hàng bên ngoài một trong những bệnh viện hàng đầu tại Bắc Kinh, hy vọng sắp xếp được cuộc hẹn với bác sĩ chuyên khoa và được sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất Trung Quốc. Mao Ning tới xếp hàng từ 4 giờ sáng để sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ da liễu hộ bạn mình.
“Chẳng có lựa chọn nào khác, mọi người đều đổ xô đến Bắc Kinh”, Mao cho biết. “Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận không khoa học và chưa xứng với điều kiện của đất nước. Người ta không nên làm như vậy phải không? Cần có một hệ thống hợp lý”.
Chờ đợi trong những dòng người xếp hàng dài, điều "dĩ nhiên" cho những lần tới bệnh viện tại Trung Quốc, là dấu hiệu cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đang đối mặt với khủng hoảng, New York Times nhận định.
Bùng nổ kinh tế trong ba thập kỷ qua biến Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp nghèo khó trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng với đó, hệ thống chăm sóc y tế xã hội hóa đã góp phần tăng tuổi thọ trung bình và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại nước này.
Nhưng hệ thống này không thể hỗ trợ đầy đủ cho hơn một tỷ người dân Trung Quốc, đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển và ổn định xã hội của nước này.
Nhiều vụ bê bối trong lĩnh vực y tế của Trung Quốc bị phát hiện, gần đây nhất vào tháng 7, khi các cơ quan điều tra của nước này phát hiện hàng trăm nghìn trẻ em bị tiêm vắc xin giả. Vụ bê bối vắc xin khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng và càng khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống y tế nước nhà.
Chỉ những người khá giả ở Trung Quốc mới có thể sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất ở các bệnh viện hàng đầu với bác sĩ nước ngoài, còn phần lớn người dân nước này phải chen chân trong những bệnh viện quá tải. Ở vùng nông thôn, người dân phải lệ thuộc vào các trạm xá hoặc đi hàng trăm km tới bệnh viện gần nhất.
Người dân Trung Quốc thường đổ xô đến bệnh viện để gặp bác sĩ chuyên khoa, ngay cả khi họ chỉ bị sốt và đau đầu. Các bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thốn và quá tải, các bác sĩ chuyên khoa kiệt sức khi phải thăm khám cho khoảng 200 người mỗi ngày. Điều này khiến nhiều bệnh nhân thất vọng, bực tức, thậm chí còn hành hung cả y bác sĩ.
Trung Quốc chưa có hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để xử lý sơ bộ các ca bệnh hay chấn thương. Trung bình chỉ có một bác sĩ đa khoa trên 6.666 người dân, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn một bác sĩ đa khoa trên 1.500 đến 2.000 dân mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra.
Tình trạng thiếu hụt bác sĩ ngày càng trở nên cấp bách khi bệnh tật ngày càng gia tăng tại quốc gia đông dân nhất nhì thế giới này và buộc chính phủ Trung Quốc phải nỗ lực giải quyết. Theo số liệu năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB), có tới 80% các ca tử vong tại Trung Quốc có liên quan đến bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và bệnh phổi mãn tính.
Năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch dài hạn chi tiết để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe trong nước có tên “Một Trung Quốc khỏe mạnh 2030” với cam kết tăng cường cải cách y tế và khiến việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bình đẳng hơn nữa.
Phát ngôn viên Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe Quốc gia Mao Quần An thừa nhận rằng các bệnh viện tại Trung Quốc không thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội, “không tìm được gốc rễ thì không thể giải quyết được vấn đề y tế ở Trung Quốc. Chúng tôi đang cố gắng đưa mọi thứ trở lại bình thường”.
Một số buổi sáng trong tuần, bác sĩ đa khoa Huang Dazhi tại Thượng Hải đi xe máy đến nhà dưỡng lão và chăm sóc cho khoảng 40 bệnh nhân, sau bữa trưa Huang vội vã quay về phòng khám của mình lấy thuốc và mang chúng tới nhà dưỡng lão. Tiếp đó, Huang gọi điện tư vấn cho ba đến bốn người khác.
Những ngày còn lại, Huang tới phòng khám của mình và gặp khoảng 70 bệnh nhân, đến đêm Huang lại tư vấn cho một số bệnh nhân cao huyết áp hoặc cảm lạnh gọi vào số máy di động của mình.
Với khối lượng công việc này, bác sĩ Huang kiếm được 1.340 USD (tương đương 31,2 triệu đồng), xấp xỉ khoản tiền lương mà bác sĩ này nhận được khi làm bác sĩ chuyên khoa nội 12 năm trước. “Bác sĩ đa khoa không được coi trọng đúng mức, dường như có khoảng cách lớn khi so sánh với các bác sĩ chuyên khoa”, Huang nói.
Vào giữa những năm 1980, chính phủ Trung Quốc cho phép tất cả mọi người đến bệnh viện điều trị, đồng thời thực hiện cải tổ sâu rộng ngành y tế song song với phát triển kinh tế. Chính phủ Trung Quốc cắt giảm đáng kể ngân sách, buộc các bệnh viện phải tự chủ tài chính.
Các bệnh viện bắt đầu đầu tư trang thiết bị hiện đại và mở rộng quy mô để đáp ứng yêu cầu tài chính mới, điều này thu hút nhiều sinh viên y khoa bởi họ cho rằng nếu trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ sẽ có công việc đảm bảo với các đãi ngộ như nhà ở và lương hưu.
Bác sĩ Huang từng chọn con đường này với vị trí thực tập sinh tại một bệnh viện ở Thượng Hải sau khi tốt nghiệp trường y năm 2006. Huang liên tục gặp những bệnh nhân có các nhu cầu đơn giản như tháo chỉ, thay ống thông hay đổi thuốc, “những việc này đáng lý không phải do các bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm”.
Khi đọc bài báo về bác sĩ đa khoa, Huang quyết định tham gia chương trình đào tạo năm 2007 với cảm hứng từ người dì của mình, một bác sĩ nông thôn tại thị xã Minh Quang, tỉnh An Huy, một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc.
Khi còn nhỏ, Huang theo chân người dì của mình tới nhà của nhiều người để đỡ đẻ và tiêm thuốc. “Sau khi trở thành bác sĩ, tôi nhận ra rằng người dân vẫn rất cần các bác sĩ nông thôn như vậy”, Huang nói.
Trung Quốc từng có hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu lớn và gần như trở thành điều cơ bản - ở nông thôn có các bác sĩ tới từng ngôi nhà để điều trị các bệnh nhẹ, ở thành phố người dân tới khám tại phòng khám của các doanh nghiệp nhà nước.
Hệ thống bác sĩ nông thôn ở Trung Quốc là một trong những thành công nổi bật của nước này. Năm 1965, Chủ tịch Mao Trạch Đông chỉ thị tổ chức đội bác sĩ nông thôn gồm những người nửa ngày làm nông và nửa ngày làm bác sĩ để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nông thôn.
Những bác sĩ nông thôn này không phải là bác sĩ thật sự, họ giống đội phản ứng nhanh của ngành y tế, được đào tạo ngắn hạn từ vài tháng đến một năm và được trang bị một túi y tế với số lượng hạn chế thuốc và dụng cụ.
Nhờ giải pháp này, tuổi thọ trung bình tại Trung Quốc tăng từ 44 tuổi năm 1960 lên 63 tuổi năm 1970, theo thống kê của Theodore H. Tulchinsky và Elena A. Varavikova.
Tỷ lệ tử vong của phụ nữ khi sinh nở tại các vùng xa xôi hẻo lánh của Trung Quốc cũng giảm từ 150/100.000 người năm 1949 xuống 41,3/100.000 người năm 2008, theo báo cáo của WTO, trong cùng kỳ trên thế giới tỷ lệ này giảm từ 20.000/100.000 người xuống 1.860/100.000 người.
Ngày nay, người Trung Quốc không coi trọng bác sĩ gia đình bằng các bác sĩ chuyên khoa. Trong gần 18.000 bác sĩ gia đình được hỏi, chỉ hơn 30% cho biết họ được xã hội coi trọng, theo một khảo sát năm 2017.
“Người ta không tin vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu bởi không có bác sĩ tốt làm việc này. Họ không thể kiếm được tiền”, Bernhard Schwartländer, trợ lý cao cấp của WHO và cựu đại diện WHO Trung Quốc, nhận định.
Tháng 3/2018, một bác sĩ bị chồng của bệnh nhân sát hại. Tháng 11/2016, một người đàn ông hành hung bác sĩ sau cãi vã về chuyện điều trị. Tháng 10/2016, sau cái chết của con gái mới sinh, một ông bố đâm 15 nhát dao sát hại bác sĩ nhi khoa. Tháng 4/2012, bác sĩ Zhao Lizhong bị đâm khi đang ngồi viết bệnh án, thủ phạm sau đó bị bắt tại thị xã Trác Châu, tỉnh Hà Bắc và bị tuyên án 13 năm tù.
“Những chuyện như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, bác sĩ Zhao cay đắng chia sẻ. Gốc rễ của tình trạng hành hung y bác sĩ tại Trung Quốc xuất phát từ việc người dân không còn niềm tin vào hệ thống y tế nước nhà.
Việc các bệnh viện của Trung Quốc buộc phải tự chủ tài chính từ những năm 1980 khiến các bác sĩ phải tìm cách kiếm tiền, nhiều người chấp nhận hoa hồng của các công ty dược phẩm và quà cáp từ bệnh nhân. Điều này khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống y tế, dẫn đến tình trạng hành hung y bác sĩ tại Trung Quốc.
Nhiều bệnh viện Trung Quốc buộc phải triển khai các phương án bảo vệ người lao động. Bệnh viện Trung Sơn tại thành phố Quảng Châu thuê huấn luyện viên taekwondo về đào tạo các y bác sĩ kỹ năng tự vệ. Các bệnh viện tại thành phố Tế Nam thuê công ty vệ sĩ đảm bảo an ninh.
Năm 2017, chính phủ Trung Quốc cam kết triển khai cảnh sát tại khoa cấp cứu của bệnh viện, nơi phần lớn các vụ hành hung y bác sĩ xảy ra.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Trung Quốc Mao Quần An nhận định rằng con số các vụ hành hung y bác sĩ của nước này ở mức báo động nhưng cần xem xét bối cảnh cụ thể.
Tính riêng năm 2016, người dân Trung Quốc sử dụng tới 8 tỷ lượt chăm sóc sức khỏe, trong thời gian này có khoảng 50.000 vụ gây rối liên quan đến lĩnh vực y tế. “Do đó chúng tôi kết luận rằng mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân trên thực tế không quá căng thẳng”, Mao nói.
Để cải tổ toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe, Bắc Kinh phải thay đổi thói quen đến bệnh viện khi mới chỉ hắt hơi sổ mũi của người dân. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đến năm 2020 đạt mục tiêu mỗi hộ đều có bác sĩ gia đình và tăng trợ cấp cho hoạt động thăm khám của các bác sĩ này. Các bác sĩ đa khoa sẽ trực tiếp hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa thay vì bệnh nhân tự liên hệ như hiện nay.
Nhờ những giải pháp này, bệnh nhân sẽ được chuyển viện nhanh hơn và được chăm sóc tốt hơn khi bác sĩ hiểu rõ về bệnh sử của họ. Chi phí khám chữa bệnh cũng giảm bớt nhờ bảo hiểm y tế của nhà nước.
Bác sĩ Yang Lan tại Trung tâm Y tế Cộng đồng Tân Hoa có hơn 200 bệnh nhân đăng ký thăm khám và nhận được khoảng 1.220 USD (khoảng 28,4 triệu đồng) mỗi tháng. Bác sĩ Yang cho biết mình sử dụng Excel để theo dõi bệnh sử và địa chỉ bệnh nhân, không có bệnh nhân nào gắt gỏng với cô và Yang không bị hành hung khi làm việc.
Cứ ba tháng một lần, bác sỹ Yang gặp mặt trực tiếp bệnh nhân tại nhà hoặc phòng khám và sẵn sàng dành lời khuyên cho bệnh nhân qua ứng dụng nhắn tin We Chat bất cứ lúc nào. Ngoài ra, bệnh nhân chỉ cần chờ khoảng 15 phút trước khi gặp bác sĩ Yang tại phòng khám.
Mỗi ngày, Yang làm việc với 50-60 bệnh nhân trong 7,5 tiếng làm việc. Trong khi đó, mỗi bác sĩ gia đình tại Mỹ thăm khám 83 bệnh nhân trong 45 tiếng làm việc mỗi tuần, tức khoảng 6 bệnh nhân trong 9 tiếng làm việc mỗi ngày, theo khảo sát năm 2017 của Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba số bác sĩ đa khoa nhưng để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cần đào tạo hàng nghìn bác sĩ, trong khi nhiều người chưa biết hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hoạt động thế nào và chưa có ý định bỏ công việc nhàn hạ của mình tại các bệnh viện công.
Năm 2000, bác sĩ Zhu Shanzhu thiết kế chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa cho bệnh viện Trung Sơn tại Thượng Hải nhưng không có ai tham gia dù khóa học này miễn phí. Gần 20 năm sau, bác sĩ Zhu cho biết vẫn thiếu hụt học viên và các học viên không dành đủ thời gian để nghiên cứu và lĩnh hội những tiến bộ mới nhất trong ngành của mình.
“Nếu có nhiều tiền hơn, những người giỏi sẽ tới. Kinh tế tốt sẽ nâng cao vị thế xã hội. Tất cả các bộ phải phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề này dù chúng không dễ dàng”, Zhu nói.
Nguyễn Tiến