"Trước hết, chúng tôi sẽ bàn giao 4 tiêm kích đang hoạt động bình thường cho Ukraine. Các máy bay còn lại đang trong quá trình chuẩn bị, bảo dưỡng và có thể sẽ được chuyển giao nối tiếp nhau", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw hôm nay.
Theo ông Duda, Ba Lan đang sở hữu khoảng 10-20 tiêm kích MiG-29. Đây là loại tiêm kích các phi công Ukraine đã quen vận hành và có thể sử dụng được ngay.
"Những chiếc MiG này vẫn phục vụ trong lực lượng không quân Ba Lan. Chúng đang trong những năm hoạt động cuối cùng nhưng phần lớn vẫn hoạt động bình thường", ông Duda nhấn mạnh.
Những chiếc MiG chuyển giao cho Ukraine sẽ được thay thế bằng tiêm kích FA-50 của Hàn Quốc, sau đó là F-35 của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak trước đó cùng ngày cho biết Ba Lan muốn chuyển giao các máy bay MiG-29 cho Ukraine "trong khuôn khổ liên minh bao gồm một số nước". Khi được hỏi về quốc gia trong liên minh này, Blaszczak đề cập đến Slovakia, nhưng nói thêm "tất nhiên chúng tôi cởi mở với những nước khác".
Năm ngoái, nước láng giềng Slovakia của Ba Lan cho biết sẵn sàng thảo luận về việc chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine. Tuy nhiên, không có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Ông Duda đưa ra thông báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Czech Petr Pavel, một cựu tướng NATO.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 14/3 nói rằng việc chuyển giao tiêm kích cho Ukraine có thể được thực hiện trong vòng 4 đến 6 tuần. Ba Lan trước đó đã gửi 14 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.
Khi được hỏi vào tuần trước rằng Ba Lan có thể cung cấp bao nhiêu chiếc MiG-29 cho Ukraine, người đứng đầu văn phòng tổng thống, Pawel Szrot, cho biết "chắc chắn không tới 14 chiếc".
Các thành viên NATO ở sườn đông như Ba Lan và Slovakia đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến sự vào cuối tháng 2/2022. Cam kết của Warsaw với nước láng giềng đã đóng vai trò quan trọng để thuyết phục các đồng minh châu Âu khác cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, trong đó có xe tăng chiến đấu.
MiG-29 là tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982. Tiêm kích MiG-29 có tốc độ tối đa 2.400 km/h, trần bay 18 km và tầm bay 1.430 km.
Dòng MiG-29 cơ bản được trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng dầu phụ, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa đối không R-27 và R-73, cũng như nhiều loại bom và rocket. Ba Lan là quốc gia vận hành nhiều MiG-29 nhất trong khối NATO.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)