Bước sang mùa hè, khi Bộ Tư pháp kết luận rằng Trump có thể đã không giao nộp tất cả tài liệu mật mà ông sở hữu, các công tố viên bắt đầu cân nhắc bổ sung vào danh sách những cáo buộc có thể chống lại ông, như cản trở công lý, nếu ông cố tình phớt lờ trát đòi hầu tòa, hay tiêu hủy tài liệu chính phủ thay vì trao trả chúng.
Các cuộc thảo luận về việc có nên xin lệnh khám xét nhà và văn phòng của cựu tổng thống hay không bắt đầu diễn ra. Đây là một hành động chưa từng có tiền lệ, chắc chắn sẽ khiến Trump và những người ủng hộ ông giận dữ. Nó cũng có thể khiến danh tiếng của Bộ Tư pháp bị ảnh hưởng nếu cuộc khám xét không thu được kết quả nào đáng chú ý.
Sau nhiều tuần thảo luận, các quan chức cấp cao FBI đã nói rõ rằng họ sẽ chỉ tiến hành khám xét nếu được chính Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland phê chuẩn. Nếu muốn đi bước quyết định này, FBI phải phối hợp với Bộ Tư pháp Mỹ. Và Bộ tư Pháp đã đồng ý.
Nhưng vào thời điểm đó, nhóm truy tố an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, do Matthew Olsen đứng đầu, và một số đặc vụ tại Văn phòng FBI Washington, do Steven D'Antuono dẫn dắt, đã xảy ra bất đồng.
Các công tố viên của Bộ Tư pháp cho rằng họ đã thu thập đủ bằng chứng để yêu cầu thẩm phán phê chuẩn lệnh khám xét Mar-a-Lago. Nhưng một số đặc vụ FBI tỏ ra hoài nghi. Họ dường như không có bất kỳ bậc thang nào để leo lên, đơn giản vì mục tiêu là cựu tổng thống Mỹ.
Bất cứ động thái pháp lý nào với Mar-a-Lago đều có thể châm ngòi đối đầu trực tiếp với ông Trump. Bất kỳ sai lầm nào cũng có thể gây ra những hậu quả lâu dài nghiêm trọng cho Bộ Tư pháp, FBI và cả quốc gia.
Những quan chức cấp cao nhất của cả Bộ Tư pháp và FBI đều hiểu rằng khám xét nhà cựu tổng thống Trump sẽ là một bước đi định mệnh. Với nhiều cuộc đối đầu đã xảy ra giữa ông Trump với Bộ Tư pháp và FBI, các nhà điều tra hoàn toàn hiểu họ sẽ phải chịu hàng loạt đòn công kích công khai từ cựu tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông nếu tiếp tục tiến lên phía trước.
Cuối cùng, Bộ Tư pháp đã quyết định sẽ thúc đẩy việc xin lệnh khám xét sau 6 tháng điều tra. Việc chọn thời điểm Trump không có mặt tại Mar-a-Lago để thực thi lệnh khám xét khá dễ dàng, vì trong những tháng hè nóng bức, ông hiếm khi lưu trú lại đây.
Ngày 5/8, các đặc vụ FBI được một thẩm phán tòa án liên bang ở Florida chấp thuận tiến hành cuộc khám xét. Ba ngày sau, các đặc vụ mặc thường phục xuất hiện tại Mar-a-Lago, mang theo lệnh khám xét đã được tòa án phê chuẩn. Với tờ lệnh này, họ không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía các mật vụ đang bảo vệ Mar-a-Lago.
Họ đã dành hàng giờ lục soát phòng chứa đồ, nơi ở và văn phòng của ông Trump, tìm thấy 103 tài liệu mật. Họ cũng thu giữ khoảng 13.000 tài liệu không được phân loại mật như một phần của cuộc điều tra.
Kết hợp với các tài liệu được thu hồi trước đó trong những chiếc hộp gửi đến Cục Lưu trữ vào tháng 12/2021 và trong chiếc phong bì hồi tháng 6, FBI xác định cựu tổng thống đã giữ ít nhất 325 tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng của mình.
60 hồ sơ trong số này được đánh dấu "tuyệt mật". Một số chứa thông tin về năng lực hạt nhân của một quốc gia nước ngoài, chương trình tên lửa Iran và nỗ lực thu thập thông tin tình báo của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, theo các nguồn thạo tin.
Ba ngày sau, Bộ trưởng Garland đã thực hiện một động thái bất thường khi mời các phóng viên đến trụ sở Bộ Tư pháp để giải thích rằng chính ông đã phê chuẩn quyết định khám xét. Ông cũng lên tiếng bảo vệ FBI và các quan chức Bộ Tư pháp.
"Các nhân viên FBI và Bộ Tư pháp là những công chức tận tụy, yêu nước", ông nói. "Họ vẫn hàng ngày bảo vệ người dân Mỹ khỏi tội phạm bạo lực, khủng bố và các mối đe dọa khác, đồng thời bảo vệ cả quyền công dân của chúng ta. Họ làm vậy với lòng hy sinh lớn lao và rủi ro cho chính họ".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)