Ngày 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ của ông vào đêm 15/7 đã bị đánh bại, và thề sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người đứng sau kế hoạch này.
Vì sao đảo chính nổ ra vào thời điểm này?
Theo CNN, các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể họp hội đồng quân sự vào tháng 8, mục tiêu là thanh trừng những sĩ quan thân cận với giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen.
Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên ông. Phong trào này được cho là đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, với nguồn kinh phí hoạt động lên tới một tỷ USD.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Erdogan đã tạo ra nhiều đối thủ, bao gồm cả những người đi theo giáo sĩ Gulen, còn được gọi là Gulenists. Ban đầu, Gulenists là đồng minh gần gũi của Erdogan khi ông còn nắm chức thủ tướng.
Sự giúp đỡ của Gulenists đã giúp ông Erdogan thực hiện cuộc thanh trừng quân sự trong quá khứ. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Tổng thống Erdogan đóng cửa các trường học của giáo sĩ Gulen và bị Gulenitsts trả đũa bằng cách tung ra những cáo buộc tham nhũng đối với nhiều quan chức cấp cao của Erdogan, thậm chí cả con trai tổng thống.
Chính phủ hiện tại coi Gulenists là tổ chức khủng bố với tên gọi FETO. Năm ngoái, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ các Gulenitsts trong lực lượng. Theo hãng tin Anatolia, khoảng 1.800 người có liên quan đến ông Gulen đã bị bắt trong chiến dịch đàn áp hai năm qua, trong đó có 750 sĩ quan cảnh sát, 80 binh sĩ. 280 người trong số này vẫn đang phải ngồi tù.
Ai đảo chính và vì sao thất bại?
Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Gulen là "đạo diễn" của cuộc đảo chính, nhưng ông Gulen, đang sống ở một thị trấn nhỏ trên dãy núi Pocono của tiểu bang Pennsylvania, Mỹ, mạnh mẽ phủ nhận.
Chính quyền của ông Erdogan đã bắt giữ nhiều các chỉ huy quân đội và các quan chức ngành tư pháp tham gia đảo chính, những người này bị cáo buộc muốn trở thành "cộng tác viên của chính quyền quân sự".
Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua 4 cuộc đảo chính và ba âm mưu đảo chính, hầu hết người dân cho rằng vụ việc hôm 15/7 được tổ chức "vụng về" và "hỗn loạn". Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, là ông Erdogan cùng các đồng sự biết rằng họ luôn phải đối mặt với nguy cơ có đảo chính và phải sẵn sàng để phá tan các âm mưu.
Thông thường ở Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi khi phía quân đội bực bội, thì chính phủ dân cử phải nhượng bộ hoặc sụp đổ. Nhưng ông Erdogan từng khiến giới quân sự mất mặt khi muốn đưa người ông lựa chọn, Abdullah Gul, lên làm tổng thống năm 2007. Quân đội không đồng ý. Erdogan liền tổ chức bỏ phiếu và đưa Gul lên làm tổng thống.
Trong khi các chỉ huy đảo chính tìm cách chiếm quyền kiểm soát đài truyền hình quốc gia TRT hôm 15/7, các kênh truyền hình khác - được dân chúng biết tới nhiều hơn, vẫn phát sóng bình thường. Tổng thống Erdogan xuất hiện trên FaceTime, kêu gọi người dân xuống đường ủng hộ ông, qua đó vô hiệu hóa tuyên bố đảo chính thành công và lệnh thiết quân luật.
Các hình ảnh, video hiện trường cho thấy dù phải đối mặt với các binh sĩ đảo chính có vũ khí, trực thăng vũ trang, người dân vẫn đổ ra đường chặn xe tăng, mạt sát chỉ huy đảo chính, thậm chí nhiều binh lính còn bị người dân đánh đập.
Erdogan vẫn tiếp tục được ủng hộ rộng rãi ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Ông Erdogan vẫn được yêu mến, tôn thờ ở bởi ít nhất một nửa dân số Thổ Nhĩ Kỳ, nửa còn lại, rất ghét tổng thống. Tuy nhiên, đảo chính không còn là thứ "mốt thời trang" ở Thổ Nhĩ Kỳ khi chu kỳ 10 năm một lần đảo chính khiến kinh tế đất nước kiệt quệ.
Cuộc sống khó khăn do các cuộc chính biến được giới quân sự phát động khiến ngay cả những người không ưa ông Erdogan cho lắm cũng đứng ra giúp ông chống lại phe đảo chính.
Một số người trung thành còn không ngần ngại hy sinh tính mạng vì Erdogan. Ông được yêu mến trong cộng đồng phụ nữ Hồi giáo nghèo khó, sùng đạo, thường đeo mạng che mặt khi ra đường và cả cộng đồng doanh nhân Hồi giáo mới nổi.
Trong vụ đảo chính vừa qua, người ta ghi nhận biểu hiện hiếm có khi người ủng hộ Erdogan xuất hiện trên toàn bộ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, từ nông thôn đến các thành phố lớn, trong khi người ủng hộ đảo chính lại co cụm.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi về đâu?
Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, cho dù Tổng thống Erdogan đã giành nhiều thắng lợi chính trị trong những năm cầm quyền. Ông được coi là người đã vượt lên từ những thách thức lớn nhất mà một chính trị gia ở Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt.
Erdogan cũng đang trong vị thế tốt hơn bao giờ hết để ổn định đất nước. Tuy nhiên, khi các cuộc thanh trừng quân sự đã ở trạng thái sẵn sàng được phát động, giới quan sát lo ngại nó sẽ biến cuộc săn lùng bất cứ ai phản đối tổng thống.
Năm 2011, Erdogan đã chỉ đạo một đợt truy lùng, bắt bớ, truy tố lớn khác trong vụ "Chiến dịch Búa tạ", xét xử hàng trăm sĩ quan quân đội, nhà báo và các chính trị gia với cáo buộc có âm mưu lật đổ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Tư lệnh lục quân, hải quân và không quân Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã nộp đơn xin từ chức đồng loạt để phản đối.
Đảo chính tác động gì tới Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách thành viên NATO?
Thổ Nhĩ Kỳ luôn tuyên bố sẽ đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế với tư cách thành viên NATO, coi đây là nền tảng trong chính sách quản lý đất nước.
Tuy nhiên, thắng lợi của ông Erdogan sau đảo chính, có thể dẫn đến việc quyền lực quá tập trung vào tay tổng thống khiến cho việc phản ánh thông tin của truyền thông đến các cơ quan công quyền bị hạn chế.
Theo thống kê của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đảo chính hôm 15/7 đã khiến hơn 290 người thiệt mạng, 104 người trong số đó ủng hộ cuộc đảo chính, còn lại phần lớn là dân thường và cảnh sát. Hơn 6.000 người bị bắt vì có liên quan đến vụ việc.
Xem thêm: Hai nguyên nhân khiến cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ thất bại
Người bị cáo buộc 'đặt hàng đảo chính' ở Thổ Nhĩ Kỳ
Văn Việt