Trump phát biểu về chiến lược an ninh quốc gia mới. Video: Time.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, vạch ra nền tảng và những ưu tiên sẽ định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ của ông. Theo các chuyên gia phân tích, chiến lược an ninh mới của ông chủ Nhà Trắng tập trung vào 4 trụ cột chính: bảo vệ nước Mỹ, thúc đẩy sự thịnh vượng Mỹ, duy trì hòa bình bằng sức mạnh và phát huy ảnh hưởng của Mỹ, theo CNN.
Để bảo vệ và thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ, chiến lược mới của Trump coi an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia, chú trọng đặc biệt vào quan hệ kinh tế giữa Mỹ với các nước khác.
Chiến lược khẳng định "Nước Mỹ trên hết" không chỉ là một khẩu hiệu tranh cử mà giờ đây trở thành động lực định hướng quá trình xây dựng chính sách đối ngoại Mỹ. Chiến lược của Trump đề cập đến tình trạng bất bình đẳng thương mại với các nước và coi hành vi "xâm lăng kinh tế" từ những quốc gia như Trung Quốc là mối quan ngại an ninh quốc gia quan trọng.
"Mỹ sẽ không tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vi phạm, lừa gạt hay xâm lăng kinh tế", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. "Một quốc gia không bảo vệ được sự thịnh vượng trong nước cũng sẽ không bảo vệ được lợi ích ở nước ngoài". Trump cũng hết lời ca ngợi các thành tựu của nền kinh tế Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ của ông khi đọc bản chiến lược.
Trong chiến lược mới, Trump đề cập đến một loạt mối đe dọa hàng đầu với nước Mỹ, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, Iran và Triều Tiên, khẳng định Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để duy trì hòa bình.
Cuộc khủng hoảng tên lửa, hạt nhân Triều Tiên đã trở thành mối quan tâm an ninh quốc gia cấp bách nhất của Trump, trong khi nỗ lực ủng hộ các nhóm vũ trang và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông của Iran là mối lo ngại chủ chốt, bản chiến lược nhấn mạnh.
Để chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan, chiến lược của Trump là tiếp tục hoạt động quân sự chống lại các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời đối phó với tình trạng cực đoan hóa trong lòng nước Mỹ.
Đề cập đến sức mạnh quân sự, chiến lược của Trump khẳng định sẽ "xây dựng lại" quân đội Mỹ để không thua kém bất cứ lực lượng nào trên thế giới. Chiến lược an ninh của Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng và kiểm soát nhập cư, nhắc lại lời kêu gọi của Trump về bức tường xây dọc biên giới với Mexico.
Trong trụ cột "phát huy ảnh hưởng của Mỹ", Trump nhiều lần nhắc đến Trung Quốc và Nga như hai "cường quốc đối thủ" đang "thách thức quyền lực, ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ, tìm cách làm xói mòn an ninh và thịnh vượng Mỹ".
Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu chính trong ưu tiên bảo vệ an ninh kinh tế của chính quyền Trump, và chiến lược của Mỹ nhiều lần đề cập đến các hành vi thương mại "lạm dụng" của nước này, chẳng hạn như việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.
Bản chiến lược nhắc đến Nga hơn 20 lần, chỉ trích nước này can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và tìm cách phá hoại nước Mỹ. Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, Trump chỉ nhắc đến Nga đúng một lần, sau đó chuyển sang nói về cuộc điện đàm hôm 17/12 với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về quan hệ hợp tác tình báo song phương giúp Moscow phá được một âm mưu khủng bố.
Theo James Stavridis, đô đốc Mỹ nghỉ hưu đang giữ chức hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, bản chiến lược dài 55 trang được soạn thảo suốt một năm qua thể hiện tầm nhìn khác biệt hoàn toàn so với quan điểm mà Trump đưa ra khi tranh cử.
Trump từng coi NATO là một tổ chức lỗi thời, muốn các đồng minh chia sẻ chi phí an ninh, đề nghị Nhật Bản và Hàn Quốc xem xét phương án tự trang bị vũ khí hạt nhân. Ông lúc đó cũng ca ngợi Nga là "bạn tốt", cam kết đánh thuế 40% đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhiều người từng lo ngại rằng nước Mỹ sẽ thu mình lại với thế giới khi ông Trump đắc cử.
Tuy nhiên, những gì Trump thể hiện trong chiến lược an ninh quốc gia mới lại là một tầm nhìn quốc tế, trong đó có việc áp dụng "chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc", sự trông cậy vào đồng minh và đối tác, cùng mối quan tâm về "cuộc đua tam mã" giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Trump sẽ được thảo luận và cụ thể hóa bởi các cơ quan có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Phát triển Quốc tế… trong các chiến lược của riêng mình. Stavridis hy vọng các cơ quan này sẽ duy trì được động lực và tầm nhìn thế giới trong chiến lược để nước Mỹ trở nên cởi mở hơn với thế giới và có các cam kết vững chắc hơn ở những khu vực như châu Á – Thái Bình Dương.
Trí Dũng