Sinh ra với cơ thể nữ giới, nhưng 25 năm nay, Chalit Pongpitakwiset luôn cảm thấy mình là một người đàn ông đích thực. Khác với đa phần người chuyển giới ở châu Á, những người phải tự tính toán và tiêm hormone cho mình, Chalit được một bệnh viện đi đầu trong lĩnh vực phẫu thuật chuyển giới giúp đỡ, theo AFP.
"Tôi nằm trong tay bác sĩ", Chalit, nhân viên một công ty phần mềm nói. "Tôi không muốn tự tiêm, quá nguy hiểm".
Vài ngày sau khi được tiêm lượt hormone nội tiết tố nam testosterone đầu tiên, Chalit quay lại phòng khám Tangerine để thử máu. Đây là một phòng khám mới nằm trong trung tâm Hội Chữ thập đỏ ở Bangkok, là mô hình thí điểm mà những người sáng lập muốn nhân rộng khắp châu Á.
Họ tính toán rất kỹ khi đặt nó tại đây. Thái Lan là một đất nước có số lượng người chuyển giới rất lớn, đồng thời là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới của những người muốn làm phẫu thuật chuyển giới.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có hơn 9 triệu người chuyển giới theo ước tính của Liên Hợp Quốc, việc chăm sóc lâu dài cho bệnh nhân còn tạm bợ.
Tangerine là nơi hiếm hoi cung cấp dịch vụ chăm sóc hậu phẫu, cả về thể chất lẫn tinh thần cho những người vừa phẫu thuật chuyển giới, vì đây là quãng thời gian họ có nguy cơ bị nhiễm trùng lớn nhất.
"Đa số các trung tâm phẫu thuật chỉ cung cấp chăm sóc hậu phẫu ngắn hạn", Nittaya Phanuphak, bác sĩ trưởng tại đây giải thích.
Hormone không được kiểm soát
Ở Thái Lan, hormone thường được mua bán trên mạng, hoặc trong các quầy thuốc địa phương. Còn việc tiêm thế nào, liều lượng ra sao chủ yếu đến từ các diễn đàn trên mạng hoặc những lời khuyên lượm lặt từ bạn bè.
Benyapon Chimsud vừa tốt nghiệp đại học, mang cơ thể nam giới nhưng tự nhận là nữ giới, cho biết cô đã dùng kích thích tố được hai năm.
"Tôi tự tiêm hormone được hai năm nay, nhờ bạn bè tư vấn" để xác định liều lượng thuốc tránh thai thích hợp, Chimsud giải thích. Hàng tháng, cô tới một phòng khám chui để tiêm thuốc nội tiết tố nữ estrogen mua ở chợ đen.
Điều này có nghĩa là cô không được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, cũng như có nguy cơ sử dụng quá liều hormone nhằm mau chóng đạt kết quả.
Ngược lại, Chalit được bác sĩ tâm lý tư vấn nhiều lần, trước khi tiêm mũi nội tiết tố nam đầu tiên để thay đổi cơ thể.
"Bác sĩ hỏi tôi có mong muốn trở thành đàn ông từ khi nào, liệu bạn bè xung quanh có chấp nhận nếu tôi chuyển giới không", Chalit nói. Giờ đây cứ hai tuần một lần, Chalit lại được tiêm nội tiết tố nam.
"Loại hormone này sẽ làm tôi mất kinh nguyệt, thay đổi giọng nói, mọc râu và ria mép, cơ bắp phát triển", Chalit nói. "Chẳng bao lâu nữa, nhờ vào những thứ này, tôi sẽ trút bỏ được dáng vẻ đàn bà của mình".
Dưới sự tư vấn và kiểm soát của bác sĩ ở Tangerine, Chalit sẽ tránh khỏi nguy cơ dùng sai liều kích thích tố, điều dẫn đến suy gan và tim mạch. Ngoài ra, anh còn tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV nếu dùng chung kim tiêm.
Nhiều nhóm bảo vệ người chuyển giới như Mạng lưới Người chuyển giới châu Á - Thái Bình Dương (APTN) cho rằng, cộng đồng y tế chính thống đã bỏ rơi vấn đề sức khỏe cộng đồng này.
"Không có bất kỳ quy định chính thức nào về cách quản lý và giám sát việc sử dụng hormone đối với người chuyển giới", Joe Wong, chuyên gia của APTN nói.
Phân biệt đối xử
Đối với vấn đề chuyển giới, mặc dù xã hội Thái Lan ngoài mặt tỏ vẻ khoan dung nhưng sâu bên trong, nhiều tầng lớp xã hội vẫn còn định kiến bảo thủ sâu sắc.
Trong vương quốc người chuyển giới, đa phần là nam chuyển thành nữ, được gọi bằng cái tên phổ biến là "ladyboy", tập trung vào ngành công nghiệp giải trí và tình dục.
Trong các lĩnh vực khác, mặc dù có trình độ văn hóa cao, nhưng nhiều người chuyển giới vẫn phải chật vật để trụ lại công sở hay vươn lên vị trí lãnh đạo.
Hôn nhân đồng tính vẫn chưa được pháp luật công nhận. Thậm chí đến năm 2012, quân đội nước này vẫn quan niệm người chuyển giới mắc bệnh tâm thần.
Bác sĩ Nittaya cho biết, phân biệt đối xử vẫn tồn tại phổ biến ở các trung tâm y tế, gây khó khăn cho người chuyển giới muốn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế.
Chalit là một trong số ít người được tư vấn đầy đủ để nhận thức toàn diện nguy cơ và cam kết đi kèm với liệu pháp điều trị hormone dài hạn. Vài ngày sau khi bắt đầu việc điều trị, Chalit đi xăm hình phân tử nội tiết tố nam testosterone lên tay.
"Tôi phải dùng hormone suốt đời này", Chalit nói. "Hình xăm này sẽ đi theo tôi suốt quãng đời còn lại".
Hồng Hạnh