Thứ bảy, 25/1/2025
Thứ bảy, 12/9/2015, 14:30 (GMT+7)

Thế giới bí mật của người chuyển giới Mông Cổ

Bị phân biệt đối xử, bạo hành và khó kiếm việc làm, nhiều người chuyển giới Mông Cổ phải che giấu thân phận và mơ về những vùng đất mới, nơi không có sự kỳ thị.

Ở Mông Cổ, người đồng tính và chuyển giới phải chịu sự kỳ thị và áp lực nặng nề từ xã hội. Cộng đồng này thuộc nhiều tầng lớp và làm nhiều ngành nghề khác nhau như giáo viên, công tác xã hội, hay hướng dẫn viên du lịch.

Điểm chung của họ là luôn sống trong tình trạng cô đơn và phải giấu giếm thân phận thực sự. Nếu bị phát hiện là người chuyển giới, họ có thể mất việc và khiến cả gia đình bị liên lụy.

Nhiếp ảnh gia Tây Ban Nha Alvaro Laiz đã dành 3 tháng rưỡi để ghi lại cuộc sống của người chuyển giới từ nam thành nữ ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. "Tôi chọn đến Mông Cổ vì nó nằm ở điểm giao nhau giữa 3 thế giới khác biệt: Nga, châu Âu và Trung Quốc, mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình", Laiz cho biết.

Ông mất khá lâu mới giành được sự tin tưởng của cộng đồng chuyển giới Ulaanbaatar và thâm nhập vào thế giới của họ. "Tôi hoàn toàn hiểu sự cẩn trọng của họ, vì không dễ gì tin tưởng một người vừa mới đến, đặc biệt ở một nơi như Mông Cổ", ông nói.

Trong cộng đồng chuyển giới ở Ulaanbaatar, cuộc sống diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín. Nơi duy nhất họ được thể hiện bản thân là trong những câu lạc bộ ngầm hay những buổi tiệc tùng bí mật. Trong ảnh là Nurbul, một vũ công chuyên nghiệp đang chuẩn bị trước một show diễn đồng giới.

Chỉ một số ít những người chuyển giới không sợ thể hiện bản thân. Gambush, vũ công nổi tiếng ở một câu lạc bộ đêm, dám ra phố trong trang phục nữ. Trong ảnh, cô đang được chuyên gia trang điểm trước khi làm việc tại một nhà thổ, nơi cô từng làm gái mại dâm, còn giờ chuyển sang dạy múa thoát y.

Naaram, bạn thân của Gambush, trải qua phần lớn tuổi thanh xuân ở Nga và bị nghiện rượu. Khi về Mông Cổ, cô không kiếm được việc làm để chu cấp cho cậu con nuôi của mình.

"Tôi chăm sóc nó từ khi nó còn bé, nhưng do người đồng tính không được phép xin con nuôi một cách hợp pháp ở Mông Cổ nên người giám hộ cho nó là vợ chồng em gái tôi", cô chia sẻ.

Nyamka, 20 tuổi, làm công tác xã hội, là một đại diện cho giới trẻ chuyển giới ở Mông Cổ. Cô mơ ước được đến các nước như Nhật Bản và Philippines, nơi không có sự kỳ thị với người chuyển giới.

Nyamkar biểu diễn trong những buổi tiệc ngầm. Ngay khi lên taxi, cô phải trút bỏ lớp son phấn và xiêm y vì đàn ông mặc trang phục phụ nữ nơi công cộng thường bị quấy rối và bạo hành.

Baara, 55 tuổi, sống tại một trong những quận nghèo nhất Ulaanbaatar với đồng lương eo hẹp khi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở địa phương. Ông gặp khó khăn trong việc kiếm thêm thu nhập do là người chuyển giới. "Ulaanbaatar rất nhỏ. Tôi rất khó kiếm việc vì ai cũng biết tôi cả", ông nói.

Nhiếp ảnh gia Laiz may mắn có cơ hội chụp ảnh một nhóm người chuyển giới trong trang phục truyền thống ở ngoại ô Ulaanbaatar.

"Tôi muốn đưa người xem đến một nơi không còn định kiến với người chuyển giới, để họ hiểu rằng những người này cũng chỉ là con người đang cố gắng sống cuộc đời của họ. Điều đó chẳng có gì sai cả", ông giải thích.

Thúy Nguyễn (Ảnh: CNN)