Thứ hai, 30/12/2024
Thứ tư, 9/9/2015, 16:36 (GMT+7)

Thế giới ngầm của mafia Nhật Bản

Mất 10 tháng đàm phán, nhiếp ảnh gia người Bỉ Anton Kusters mới được phép thâm nhập và chụp ảnh thế giới của yakuza - mafia Nhật Bản.

Năm 2008, ông Kusters được Taka-san, chủ của một quán bar ở khu Golden Gai, Tokyo, giúp tiếp cận với các thành viên của yakuza để trao đổi về dự án nhiếp ảnh. 

"Chúng tôi đã đàm phán với họ trong khoảng 10 tháng trước khi thực sự được cho phép chụp ảnh", ông Kusters cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây với RT.  

Trong suốt hai năm sau đó, ông được đi theo và tiếp cận nhiều góc khuất chưa ai biết tới của các yakuza.

"Mục tiêu của tôi trong dự án này rất đơn giản: hiểu được một yakuza là như thế nào, hiểu được cảm giác của một người ngoài khi đặt chân vào thế giới này và hiểu được ý nghĩa khi cái tốt và cái xấu cùng song hành", ông cho hay. 

Trong hình, các yakuza tại phố đèn đỏ Kabukicho, Tokyo.

Những tân binh yakuza thường tập trung trên một bãi biển lúc 5h sáng để ngồi thiền, do kiếm sĩ Samurai Nakata Sensei hướng dẫn. Sau đó, họ bước vào các bài huấn luyện về chiến đấu, vệ sĩ và sử dụng dao. 

Yamamoto Kaicho, ông trùm số hai của gia đình mafia Shinseikai, nằm chờ thợ xăm hoàn thành tác phẩm trên cơ thể vốn đã chi chít hình xăm của mình.

Yakuza ở mỗi vùng có một số dạng hình xăm khác nhau. Chẳng hạn, yakuza ở Tokyo chỉ xăm trên tay và lưng.

 

Các thành viên trong thế giới ngầm tại Nhật Bản phải tuân thủ những quy định cực kỳ khắt khe về kỷ luật. Sau khi vi phạm quy định, nhiều yakuza tự chặt đứt đốt tay để cam kết không tái phạm. 

Kỷ niệm mà ông Kusters nhớ nhất là khi cùng Nitto-san, một đại ca của Shinseikai, đến nhà tù Niigata ở phía bắc Nhật Bản để đón hai thành viên được phóng thích. Khi đó là 4h sáng.

Dù được phép chụp Nitto-san nhưng vẻ ngoài lạnh lùng của ông khiến Kusters căng thẳng và bấm máy quá sớm. "Nhìn lại bức ảnh này sau đó, tôi thấy mình không thể làm gì hơn dù có cố gắng", nhiếp ảnh gia nói. "Tôi vẫn căng thẳng mỗi lẫn nhìn lại hình ảnh này. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm đặc biệt đó".

Kusters còn được tổ chức mafia này tin tưởng cho phép tham dự tang lễ của một trong các thủ lĩnh, điều mà thậm chí các nhiếp ảnh gia Nhật Bản chưa bao giờ có được. 

"Khoảnh khắc đặc biệt nhất mà tôi có là khi họ mời tôi tham dự tang lễ. Họ thường không cho phép bất kỳ ai chụp ảnh (lễ tang)", ông nói. Vì vậy, những bức ảnh tang lễ yakuza được đánh giá rất cao trong dự án của Kusters. 

Sau thời gian trải nghiệm cuộc sống trong thế giới ngầm, Kusters có quan điểm về yakuza khác với định kiến thông thường của mọi người.

"Bên cạnh những thành phần tội phạm, họ cũng là những người bình thường như bạn và tôi, họ chọn một phần của cuộc đời mình để trở thành thành viên của yakuza. Họ hoàn toàn không phải là những kẻ xã hội đen xăm trổ khua dao múa kiếm, chặt đầu nhau. Trường hợp này không phải như thế", ông nói.

Ông Kusters cũng nhìn nhận yakuza như một cách sống và thế giới của tổ chức mafia này không đơn giản chỉ có màu đen và trắng, mà còn có những mảng màu xám.

100 bức ảnh nổi bật của ông đã được tập hợp lại trong cuốn sách mang tên Odo Yakuza Tokyo.

Giống như mafia ở Italy hay Hội Tam Hoàng ở Trung Quốc, yakuza Nhật Bản thu lợi nhuận từ đánh bạc, ma túy, mại dâm đến cho vay nặng lãi, tống tiền và kinh doanh thông qua các công ty bình phong.

Yamaguchi- gumi hiện là nhóm yakuza lớn nhất ở Nhật. Nhóm này có hơn 23.000 thành viên, chiếm gần một nửa số yakuza, và hoạt động tại 44 trên tổng số 47 tỉnh. Tuy nhiên, khoảng 3.000 thành viên của nhóm này cuối tuần qua đã tách ra thành một nhóm mới do mâu thuẫn với kẻ đứng đầu, khiến cảnh sát lo ngại về một đợt bùng phát bạo lực mới.

Anh Ngọc (Ảnh: Anton Kusters)