Kyodo News cho hay nhóm tội phạm mới thành lập do Kunio Inoue, thủ lĩnh 67 tuổi của Yamaken-gumi, một băng đảng với khoảng 2.000 thành viên đóng ở thành phố cảng phía tây Kobe, đứng đầu.
Nhóm này tự xưng là Kobe Yamaguchi-gumi và sẽ tiếp tục sử dụng logo của nhóm cũ, một động thái có khả năng gây ra bất hòa lớn giữa hai bên.
Nhóm mới sẽ có khoảng 3.000 thành viên, ít hơn nhiều so với Yamaguchi-gumi, với số thành viên tổng cộng tới 23.400 người, chiếm gần một nửa số mafia tại Nhật Bản.
Được một cựu ngư dân trên đảo Awaji, gần Kobe, lập ra năm 1915, Yamaguchi - gumi hiện hoạt động tại 44 trên 47 tỉnh của Nhật Bản. Nguồn thu chính của băng mafia này là từ buôn ma túy, cho vay nặng lãi và tống tiền. Những năm gần đây, Yamaguchi - gumi còn tham gia vào các vụ lừa đảo tài chính và tội phạm cổ cồn trắng.
Năm ngoái, tạp chí Fortune ước tính khối tài sản của tổ chức này trị giá tới 80 tỷ USD, là nhóm tội phạm có tổ chức giàu nhất trên thế giới. Sinaloa, băng đảng buôn ma túy khét tiếng Mexico, cũng chỉ sở hữu 3 tỷ USD.
Từ tháng trước, có những tin đồn rộ lên rằng Yamaguchi-gumi sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập bằng việc cắt đứt quan hệ với 13 trong số 72 phe phái. Điều này khiến cảnh sát lo ngại một làn sóng bạo lực sẽ diễn ra khi các bên đấu đá, tranh giành lãnh thổ.
Cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động cao, tuần tra các văn phòng của Yamaguchi-gumi và nhà của các thành viên trong nhóm. Họ cũng sử dụng các nguồn tin mật để tìm hiểu những ai ủng hộ và phản đối đại ca Shinobu Tsukasa.
Tsukasa, người trở thành thủ lĩnh thứ 6 của Yamaguchi-gumi cách đây 10 năm, được cho là ưu ái hơn với các thành viên của Kodo-kai, chi nhánh ở Nagoya mà y thành lập năm 1984.
Tsukasa, 73 tuổi, ra tù vào tháng 4/2011 sau 6 năm thụ án tội tàng trữ vũ khí. Dưới sự cầm đầu của y, Yamaguchi-gumi đã đặt ra các quy định nghiêm khắc với những thủ lĩnh phe phái không tuân lệnh hoặc không nộp chi phí thành viên hàng tháng khoảng một triệu yen (hơn 8.000 USD).
Tsukasa cũng muốn Kodo-kai mở rộng ảnh hưởng ở Tokyo và các vùng phía đông Nhật Bản, khiến các băng nhóm liên quan khác ở căn cứ truyền thống tại phía tây tức giận.
Giới chức Nhật Bản lo sợ những trận đổ máu sẽ lặp lại như khi nhóm này lục đục năm 1984, làm hơn 20 thành viên thiệt mạng, 70 người bị thương. Hàng trăm người bị bắt trong vụ việc.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2011, Tsukasa tuyên bố rằng các cuộc trấn áp chống lại Yamaguchi-gumi có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, vì nhóm mafia đã lôi kéo được nhiều thanh niên Nhật Bản đi theo một lý tưởng riêng.
"Nếu Yamaguchi-gumi tan rã, trật tự xã hội có thể sẽ xấu đi", y nói. "Tôi biết điều đó có thể khó tin, nhưng tôi đang bảo vệ Yamaguchi-gumi để đánh bại các nhóm bạo lực".
Truyền thông Nhật Bản nhận thấy thái độ của dân chúng với nhóm mafia đã cứng rắn hơn, trái với những năm trước, khi họ có thể làm ngơ miễn là những kẻ này không làm hại dân thường.
"Việc chia tách là một cơ hội tốt để cảnh sát thắt chặt việc trấn áp tổ chức này nhằm làm suy yếu sức mạnh của nó", tờ Asahi Shimbun bình luận. "Cảnh sát nên sử dụng tất cả các biện pháp có thể, trong đó có việc bắt giữ các thành viên chủ chốt, để khiến nhóm này ngừng hoạt động một lần và mãi mãi", tờ báo viết.
Anh Ngọc