RPTV (Rear-Projection Television) hiện có 4 công nghệ: CRT, DLP, LCD và LCoS. Chắc chắn bạn có thể sắm một chiếc HDTV Plasma 80 inch nếu bạn đang rủng rỉnh "hầu bao", nhưng đa số mọi người đều muốn tiết kiệm ngân sách bằng phương án chọn tivi máy chiếu sau thay thế. Các tivi này đều có kích thước từ 46 inch trở lên, định dạng màn ảnh rộng 16:9, thường đã được tích hợp sẵn bộ thu tín hiệu HDTV.
Các RPTV được chia ra hai loại: tivi CRT truyền thống và màn hình "microdisplay". Các tivi máy chiếu sau "microdisplay" sử dụng một trong ba công nghệ sau: DLP, LCD hoặc LCoS.
Ưu thế của tivi máy chiếu sau CRT cũng là ưu thế của các tivi xem trực tiếp (CRT) thông thường: giá thành hạ, chất lượng hình ảnh đẹp nếu được điều chỉnh thích hợp và cho màu đen hoàn hảo. Nhược điểm là chiếm không gian lớn, không thích hợp cho các phòng quá sáng và cần phải bảo dưỡng định kỳ, góc nhìn hẹp và hầu như không thể sử dụng để hiển thị các tín hiệu máy tính.
Tivi máy chiếu sau công nghệ CRT, Mitsubishi WS-55315. |
Các tivi máy chiếu sau CRT cũng thừa kế cả những nhược điểm của màn hình CRT truyền thống nên trừ khi bạn đang eo hẹp về ngân sách hoặc quá lý tưởng hoá chất lượng hình ảnh cho rạp chiếu phim tại gia của mình mà bỏ qua trở ngại về "ngoại hình" của nó, còn không bạn nên chuyển sang dùng các tivi máy chiếu sau "microdisplay". Vì các tivi máy chiếu sau CRT hiện giờ có độ sáng kém hơn các tivi "microdisplay", chưa kể chúng yêu cầu phải cài đặt và điều chỉnh thật cẩn thận thì mới đạt độ nét như mong muốn và thường xuyên phải điều chỉnh các màu cơ bản đỏ, lục, lam.
Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận các ưu thế giá thành tương đối thấp và chất lượng cao của các tivi máy chiếu sau CRT, màn hình tốt nhất dành cho chơi game, chưa kể màu đen của màn hình CRT vẫn là chuẩn mực mà không có một RPTV "microdisplay" nào sánh kịp; các màu sắc đều thể hiện có chiều sâu, độ bão hoà lý tưởng và đạt được hình ảnh sắc nét như tự nhiên hoặc hình ảnh gốc.
Microdisplay là một thế hệ RPTV mới đem lại ưu thế tiết kiệm không gian và thích nghi thể hiện nhiều nguồn tín hiệu không hề kén chọn, hiện là tên gọi chung cho các máy chiếu thuộc công nghệ DLP, LCD và LCoS. Các tivi này có tên gọi chung là "microdisplay" bởi vì chúng được bao gồm một đèn nền để chiếu sáng hoặc không chiếu sáng cho các vi chip tương ứng với từng ảnh điểm trên màn hình lớn. Các đèn nền thường có giá chừng 200 USD và chỉ có tuổi thọ khoảng 3.000-10.000 giờ tuỳ thuộc từng công nghệ và điều kiện sử dụng. Sau khoảng thời gian này chúng cần phải được thay thế mà hầu hết các đèn nền của các tivi microdisplay đều có thể thay thế được.
Các màn hình này thường có thời gian chờ khởi động hoặc tắt hẳn từ 20 giây đến 1 phút. Các tivi này thường nhẹ và mảnh mai hơn tivi CRT, và hầu hết cần yêu cầu có một chân đế để nâng chúng lên cho vừa với tầm nhìn.
Hầu hết đều có thể đảm nhận tốt các chức năng làm màn hình máy tính, tivi tiêu chuẩn và tivi độ phân giải cao (HDTV), tuy nhiên thường thích hợp với truyền hình số (sử dụng các giao tiếp DVI, HDMI hoặc kết nối Wi-Fi) hơn là truyền hình tương tự. Không như các tivi máy chiếu sau CRT, tất cả các RPTV microdisplay đều khá sáng và vẫn cho hình ảnh chi tiết, hoàn hảo khi xem trong những căn phòng nhiều ánh sáng.
Loại tivi máy chiếu sử dụng công nghệ DLP thể hiện mức đen tốt, không cần điều chỉnh độ nét, có thể làm màn hình máy tính, mảnh và nhẹ hơn so với CRT. Nhược điểm là khá đắt so với loại hình CRT truyền thống, xuất hiện hiệu ứng cầu vồng (rainbow effect), nhiễu video trong các vùng tối, đèn hình phải thay thế định kỳ. Tivi máy chiếu sau công nghệ này ngày càng có giá thành hấp dẫn và được ưa chuộng hơn hẳn RPTV công nghệ LCD dù loại công nghệ LCD cũng có chất lượng và giá thành chẳng hề thua kém.
Samsung HL-P5085W, kích thước 50", tivi máy chiếu sau điển hình cho công nghệ DLP. |
Trong nhóm microdisplay, DLP cho màu đen sâu nhất so với bất kỳ một công nghệ tivi máy chiếu nào. Công nghệ phóng hình LCD gần đây cũng đã có nhiều cải tiến và mong thu hẹp khoảng cách, nhưng DLP vẫn là sản phẩm dẫn đầu về tính năng này. Hầu hết các RPTV DLP đều sử dụng chip có độ phân giải tự nhiên 1.280x720 và thể hiện đồng đều các ảnh điểm HDTV 720p, cho hình ảnh cực sắc nét với các nguồn tín hiệu HD. Nhiều màn hình DLP độ phân giải cao thế hệ mới đã được ra mắt trong năm nay, với độ phân giải đạt tới 1.920x1.080 và hiển thị tốt tín hiệu HDTV 1080i.
Nhược điểm của tivi DLP chính là hiệu ứng cầu vồng. Một vài người phàn nàn về việc họ đã nhìn thấy các sọc màu như thường gặp với các cầu vồng sau cơn mưa xuất hiện trên những tivi loại này, đặc biệt là khi liếc chéo qua màn hình. Hiện tượng này là do tivi DLP chỉ sử dụng một chip đơn xử lý ánh sáng số DLP với một "bánh xe" màu (color wheel) để tạo ra 3 màu cơ bản đỏ, lục, lam rồi từ đó tổng hợp ra tất cả màu sắc khác. Sự cố cầu vồng hiện nay đều giảm hẳn với các color wheel thế hệ mới có tốc độ quay nhanh hơn và đa số những chủ nhân của các màn hình DLP thế hệ sau này đều khẳng định họ chưa hề gặp hiện tượng này. Các HDTV DLP còn tồn tại một chút nhiễu hình mức thấp, tức là hiện tượng các ảnh điểm nhỏ hay những "hạt bụi" nhảy múa trong các vùng tối; đây là nhược điểm rõ rệt nhất so với các loại tivi máy chiếu microdisplay khác.
Không còn hiệu ứng cầu vồng, không phải điều chỉnh độ nét, rất thích hợp làm màn hình máy tính, mỏng và nhẹ hơn nhiều so với tivi CRT là ưu thế của tivi máy chiếu sau LCD. Nhược điểm lớn là giá thành cao, màu đen không sâu bằng màn hình DLP, vẫn phải thay đèn nền theo định kỳ. Hiện nay, các hãng đi đầu trong sản xuất RPTV LCD là Sony, Hitachi, Panasonic và LG. Tivi máy chiếu LCD hiện được cải tiến rất nhanh theo chiều hướng chất lượng cao hơn và tương lai sẽ có thể sánh ngang hoặc vượt xa màn hình DLP và chiếm được cảm tình của đa số người tiêu dùng vì giá thành đang giảm mạnh.
Tivi máy chiếu sau công nghệ 3LCD, dòng Grand Wega của Sony. |
Trong khi, DLP dẫn đầu về khả năng tái tạo màu đen sâu thì chip của LCD với nhiều cải tiến gần đây cũng có chất lượng đạt đến mức đáng nể. Nếu không có con mắt tinh tế tầm chuyên gia để so sánh và thẩm định có lẽ bạn sẽ không thể nhận ngay ra RPTV LCD hay DLP cho màu đen sâu hơn. Tuy nhiên, giá của các tivi máy chiếu LCD vẫn còn khá cao nếu so với loại công nghệ DLP có kích thước tương đương, nhất là khi nó thuộc một thương hiệu có tên tuổi.
Tuy nhiên, các RPTV LCD tồn tại hiện tượng có tên hiệu ứng "screen-door". Nếu bạn ngồi gần một RPTV LCD, bạn có thể nhận thấy lưới điểm ảnh mờ mờ trông như các cửa màn hình. Bạn cũng có thể nhìn thấy phần trống giữa các điểm ảnh bằng mắt thường và đây là nhược điểm rõ rệt nhất của công nghệ này so với hai công nghệ microdisplay còn lại. Bạn sẽ không bắt gặp hiện tượng này nếu ngồi trong tầm nhìn cho phép, tức là ngồi cách màn hình ít nhất hai lần độ dài đường chéo của nó.
Lợi thế vượt trội của LCD so với hai thành viên microdisplay, là không xảy ra hiện tượng cầu vồng. Có điều bạn đừng quá kỳ vọng ở các chip LCD độ phân giải cao tự nhiên; đôi khi một chip mệnh danh là có độ phân giải 1.386x788 pixel lại cho hình ảnh không trội hơn nhiều lắm so với một màn hình độ phân giải chỉ có 1.280x720 pixel.
Các nhà sản xuất RPTV DLP còn cho rằng các chip LCD dùng hỗn hợp hữu cơ nên sẽ bị "thoái hoá" dần theo thời gian. Về cơ bản điều này là đúng, nhưng trong thực tế nó ít tác động đến tuổi thọ của các sản phẩm LCD bởi vì trong điều kiện làm việc bình thường, tuổi thọ của các chip LCD hiện nay đã đạt đến mức đáng nể. Cũng như với tivi máy chiếu DLP, tivi máy chiếu sau công nghệ LCoS dùng chip tự nhiên vô cơ, có ưu thế về tuổi thọ, nhưng đây không phải là lý do chính để chúng ta lựa chọn công nghệ này.
Các tivi máy chiếu sau công nghệ LCoS thể hiện tính liên kết pixel hoàn hảo, không yêu cầu độ nét nguồn hình ảnh gốc quá cao, cấu hình mảnh và nhẹ hơn tivi CRT. Nhược điểm lớn và vẫn yêu cầu thay thế đèn hình định kỳ và còn chưa thống nhất bởi có quá nhiều biến thể khác nhau (xem chi tiết dưới đây). Hiện nay LCoS được JVC và Sony rất kỳ vọng, ủng hộ và đầu tư phát triển.
Công nghệ này tưởng đã đi vào ngõ cụt, giờ được hồi sinh nhưng xuất hiện hai biến thể khác nhau với những ưu thế riêng. LCoS đã trải qua nhiều lần thử nghiệm. Ba đại gia Philips, Toshiba, Mitsubishi lựa chọn sản xuất thử nghiệm công nghệ này, nhưng vấp phải những khó khăn bế tắc, rồi lần lượt từ bỏ. Nhưng đến quý II năm 2004, JVC và Sony đã làm sống dậy công nghệ này khi đưa ra các biến thể riêng của chip LCoS. Các biến thể của LCoS bao gồm công nghệ HD-ILA của JVC và SXRD của Sony.
JVC HD-ILA, model HD-52Z575, kích thước 55", sản phẩm đầu tay dựa trên công nghệ LCoS. |
Trong nhiều năm qua, JVC đã và đang rất nổi tiếng với dòng sản phẩm máy chiếu trước (front projector) dựa trên công nghệ LCoS có tên là công nghệ D-ILA (Direct-drive Image Light Amplifier). Năm 2004, công ty này tiếp tục tung ra dòng tivi máy chiếu sau dựa trên công nghệ LCoS model HD-52Z575 và mang mã khác: HD-ILA. Các tivi máy chiếu sau (RPTV) này có giá cả cạnh tranh được với các loại hình RPTV công nghệ DLP và LCD, cho độ phân giải tương đương (1.280x720) cũng như hình ảnh sáng nhất và tính liên kết giữa các ảnh điểm hoàn hảo nhất chưa từng thấy ở một tivi máy chiếu sau. Thật không may là màu đen của HD-ILA lại thể hiện kém nhất đứng sau cả tivi LCD và DLP.
Tivi máy chiếu sau 70", Qualia 006, sử dụng công nghệ SXRD, một biến thể của LCoS đến từ hãng Sony. |
Không như JVC, Sony chỉ quyết định bước một chân vào công nghệ LCoS, tức là đưa ra biến thể của công nghệ này với một sản phẩm có tên SXRD (Silicon Crystal Reflective Display). Ban đầu, hãng điện tử Nhật Bản chỉ áp dụng công nghệ LCoS vào máy chiếu trước Qualia 004 (giá 27.000 USD). Nhưng sau đó hãng ra mắt mẫu tivi máy chiếu sau Qualia 006 kích thước lên tới 70 inch (giá 13.000 USD) sử dụng biến thể của LCoS, công nghệ SXRD, độ phân giải của chip SXRD đạt được là 1.920x1.080 pixel.
Có thể coi đây là một ứng viên sáng giá cho danh hiệu: công nghệ tivi máy chiếu sau "microdisplay" tốt nhất. Sản phẩm đầu tay này của Sony cho màu đen hoàn hảo, dải màu phong phú, tối thiểu hoá nhiễu hình... Theo dự đoán, chỉ cần giá thành duy trì ở mức hấp dẫn, công nghệ này chắc chắn sẽ chinh phục được đông đảo người tiêu dùng.
T.B. (theo Cnet)