Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ hôm 12/4, với 51 tỷ USD nợ nước ngoài, trong bối cảnh nước này đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Tháng trước, lạm phát tại đây chạm 18,3% - gấp đôi tốc độ tại Mỹ. Giá mọi sản phẩm thiết yếu đều tăng vọt.
Sri Lanka vỡ nợ trong bối cảnh cả thế giới cũng đang gồng gánh một núi nợ khổng lồ, được tích luỹ đáng kể qua hai năm Covid-19 vừa qua. Theo báo cáo "Chỉ số nợ công" mà hãng quản lý tài sản Janus Henderson Foundation (Anh) công bố hồi đầu tháng, nợ công toàn cầu dự kiến tăng 9,5% lên kỷ lục 71.600 tỷ USD năm nay.
Nợ công tăng phần lớn do Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đẩy mạnh đi vay. Trong đó, nợ của Trung Quốc tăng nhanh nhất và nhiều nhất, với 650 tỷ USD năm ngoái. Trong nhóm nền kinh tế phát triển quy mô lớn, nợ của Đức tăng nhanh nhất với 15%, tức gần gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu.
Trước đó, vào năm 2021, báo cáo cho biết nợ công toàn cầu đạt quy mô 65.400 tỷ USD, tăng 7,8% so với 2020. Đó là thời điểm mọi quốc gia đều tăng vay khi tiền lãi giảm xuống mức thấp kỷ lục, còn 1.010 tỷ USD, với lãi suất thực tế chỉ 1,6%. Tuy nhiên, chi phí trả nợ dự kiến tăng 14,5% năm nay, lên 1.160 tỷ USD.
Tuy nhiên, khối nợ đã rất cao từ trước khi Covid-19 xuất hiện. Trong đại dịch, thâm hụt và nợ còn tăng nhanh hơn nhiều so với những năm đầu của các cuộc suy thoái khác, bao gồm cả Đại suy thoái thập niên 30 và và khủng hoảng tài chính 2008.
Theo Cơ sở dữ liệu Nợ toàn cầu của IMF, nợ toàn cầu đã tăng 28%, lên tương đương 256% GDP năm 2020. Nợ công chiếm khoảng một nửa mức tăng này, phần còn lại là từ các công ty phi tài chính và hộ gia đình. Nợ công hiện chiếm gần 40% tổng nợ toàn cầu, cao nhất trong gần sáu thập kỷ.
Số nền kinh tế tiên tiến có nợ lớn hơn GDP đã tăng đáng kể. "Đại dịch đã có tác động rất lớn đến việc vay nợ của các chính phủ và hậu quả sẽ còn kéo dài trong một thời gian nữa", Bethany Payne, Giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson, cho biết. Theo ông, khủng hoảng Ukraine cũng có khả năng gây áp lực cho các chính phủ phương Tây trong việc phải vay nhiều hơn cho chi tiêu quốc phòng.
Tại Australia, Stephen Anthony - kinh tế trưởng tại Macroeconomics Advisory dự đoán nợ công nước này có thể tăng gấp đôi, từ 750 tỷ USD hiện tại lên 1.700 tỷ USD năm 2032-2033 khi ngân sách trong tương lai bị đè nặng bởi các cam kết cho chi tiêu quốc phòng, các chương trình bảo hiểm và chăm sóc người già.
Ông Anthony cảnh báo lạm phát trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ sẽ đẩy lãi suất toàn cầu cao hơn và gây áp lực lên chi phí đi vay hiện gần 0% của Khối thịnh vượng chung. Đó là áp lực cho chính phủ mới của Australia, sẽ được bầu vào tháng sau, nhằm thiết lập một kế hoạch cắt giảm chi tiêu.
"Cách tốt nhất để đối phó với điều này là lựa chọn các chính sách tốt ngay bây giờ để tránh thắt lưng buộc bụng", ông nói.
Tuy nhiên, theo S&P, ở các nền kinh tế tiên tiến, chi phí đi vay dự kiến tăng nhưng có khả năng vẫn ở mức chấp nhận được. Các chính phủ vẫn có thời gian củng cố ngân sách và tập trung vào các cải cách kích thích tăng trưởng. Vấn đề đáng ngại hơn là nguy cơ vỡ nợ của những nước thu nhập thấp.
Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành báo cáo có tên "Tái cơ cấu nợ của các quốc gia nghèo hơn đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả hơn". Đây là lần thứ 11 tổ chức này lên tiếng về nguy cơ vỡ nợ. IMF đánh giá các quốc gia có thu nhập thấp phải đối mặt với ít thách thức về nợ lớn hơn so với 25 năm trước.
"Khoảng 60 phần trăm các quốc gia thuộc phạm vi 'Sáng kiến hoãn thanh toán nợ' (DSSI) có nguy cơ hoặc đã rơi vào tình trạng khó trả nợ", báo cáo cho hay. Hiện có tổng cộng 73 nước tham gia DSSI - sáng kiến do WB và IMF thúc giục G20 thành lập khi đại dịch mới xuất hiện, nhằm giúp các thành viên được hoãn trả nợ.
Lãi suất thấp, nhu cầu đầu tư cao, tốc độ tăng thu nội địa hạn chế và hệ thống quản lý tài chính công căng thẳng khiến nợ của các quốc gia DSSI tăng lên, sau khi hạ nhiệt vào đầu những năm 2000.
Trong số 41 quốc gia DSSI có nguy cơ hoặc đã rơi vào tình trạng khó trả nợ, Chad, Ethiopia, Somalia và Zambia đã nộp đơn yêu cầu nghiên cứu phương án xử lý nợ. Khoảng 20 nền kinh tế khác vi phạm đáng kể ngưỡng rủi ro cao. Một nửa trong số đó cũng có dự trữ thấp, nhu cầu tài chính tăng hoặc kết hợp cả hai yếu tố này vào năm 2022.
"Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm. Thế giới phải đối mặt với sự bất ổn mới, khi chiến sự xảy ra trên nền một đại dịch dai dẳng, nhiều biến động và đã kéo dài sang năm thứ ba", IMF đánh giá.
Ở trong nước, khó khăn xoay quanh việc các chính phủ phải cơ cấu lại nợ công trong khi vẫn bình ổn khu vực tài chính và duy trì tăng trưởng. Còn bên ngoài, sự đa dạng của thành phần chủ nợ cũng đặt ra những thách thức về phối hợp.
Trong vài thập kỷ qua, các nước DSSI chủ yếu vay từ các quốc gia thuộc Câu lạc bộ Paris (nhóm nước là chủ nợ lớn) và các ngân hàng tư nhân, các tổ chức đa phương. Ngày nay, Trung Quốc và các trái chủ tư nhân đóng vai trò cho vay lớn hơn nhiều.
Tỷ lệ nợ nước ngoài của các nước DSSI với Câu lạc bộ Paris giảm từ 28% năm 2006 xuống 11% năm 2020. Trong cùng giai đoạn, tỷ lệ vay nợ Trung Quốc tăng từ 2% lên 18%. Tỷ lệ trái phiếu Eurobond được bán cho chủ nợ tư nhân tăng từ 3% lên 11%.
Điều này dẫn đến thực tế là Trung Quốc sẽ đóng vai trò nòng cốt trong hầu hết các hoạt động tái cơ cấu nợ của các quốc gia DSSI. "Sự đa dạng của thành phần chủ nợ đòi hỏi phải chú ý nhiều hơn đến các đặc thù của quốc gia. Các cơ chế hợp tác sẽ là chìa khóa trong mọi trường hợp", IMF nhận định.
Ở các nền kinh tế tiên tiến, hoạt động kinh tế, chi tiêu và thu ngân sách có thể sẽ trở lại gần với dự báo trước đại dịch năm 2024. Tuy nhiên, tình hình ở các nước đang phát triển còn đáng lo ngại hơn nhiều. Cả các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp đều phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nguồn thu dai dẳng.
Giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh đang tạo thêm áp lực cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Thực phẩm chiếm tới 60% nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình những nước có thu nhập thấp. Đối với các nước thu nhập thấp phụ thuộc vào nhiên liệu và thực phẩm nhập khẩu, cú sốc lạm phát có thể đòi hỏi nhiều khoản trợ cấp hơn.
"Giờ đây, những cú sốc kinh tế từ Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine đang làm tăng thêm những thách thức về nợ mà các nước thu nhập thấp phải đối mặt, trong thời điểm các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất", IMF đánh giá.
Khủng hoảng tín dụng càng trở nên trầm trọng hơn do cho vay ra nước ngoài của Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm. Bởi lẽ họ đang đối mặt với những lo ngại về khả năng thanh toán trong lĩnh vực bất động sản. Chủ nợ này cũng gặp nhiều thách thức và thay đổi khác như phong tỏa chống dịch, quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới; và các vấn đề liên quan đến các khoản vay hiện có cho các nước đang phát triển.
Các nền kinh tế đang phát triển khác, như Brazil và Nga, đã tích cực tăng lãi suất trong thời gian qua để ghìm lạm phát. Nhưng ở nhiều nước, lãi suất vẫn thấp hơn tốc độ tăng giá. Dòng vốn vẫn đang chảy ra khỏi cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi.
Đối với các quốc gia có thu nhập thấp, DSSI đã hết hạn vào cuối năm 2021. Và chương trình "Khuôn khổ Chung về Xử lý Nợ" của G20 thì vẫn chưa được thực hiện. "Các vấn đề về nợ đang gia tăng và dư địa tài khóa của các nước đang phát triển sẽ tiếp tục bị thu hẹp", Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, nói.
IMF đang kêu gọi các bên đề ra những lựa chọn giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển không đủ điều kiện tham gia "Khuôn khổ" này, nhưng vẫn được hưởng lợi từ cách tiếp cận hợp tác toàn cầu thời gian tới.
Tổ chức này cũng khuyến nghị các chính phủ tăng cường quản lý và minh bạch nợ. Điều này sẽ giúp các quốc gia quản lý rủi ro, giảm nhu cầu tái cơ cấu và giải quyết hiệu quả và lâu dài hơn nếu nợ có dấu hiệu không bền vững.
"Việc áp dụng các cơ chế đảm bảo sự phối hợp và niềm tin giữa các chủ nợ và con nợ đã trở nên cấp thiết. Kinh nghiệm cho đến nay cho thấy cần có sự rõ ràng hơn về các bước tái cơ cấu", IMF nói thêm.
Phiên An (theo IMF, CNBC, ABC)