Ngày 27/1, cô đã tiếp nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Đức.
Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án không chút nào tương thích với kết quả cô vừa nhận được. Bệnh nhân của bác sĩ Rothe, một doanh nhân công ty phụ tùng ô tô Webasto, lây Covid-19 từ một đồng nghiệp đến từ Trung Quốc. Người này không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào, hoàn toàn khỏe mạnh trong thời gian ở Đức. Trong suốt hai ngày họp dài, cô không ho, không hắt hơi hoặc có dấu hiệu mệt mỏi. Sau khi đáp chuyến bay trở về Trung Quốc, người bệnh mới bắt đầu thấy ốm yếu và được xét nghiệm dương tính nCoV.
Vào thời điểm đó, đối với Đức, Covid-19 mầm bệnh xa vời. Thế giới chỉ ghi nhận dưới 100 ca tử vong. Italy vẫn chưa có bệnh nhân nào.
Tối cùng ngày, bác sĩ Rothe gõ một email cho hàng chục đồng nghiệp và quan chức y tế công cộng.
"Virus có thể lây lan ngay cả trong thời gian ủ bệnh", cô viết.
Thêm ba nhân viên từ công ty Webasto được chẩn đoán dương tính ngày hôm sau. Họ có triệu chứng rất nhẹ, đến nỗi không ai được xếp vào diện cần xét nghiệm hoặc phải tự cách ly ở nhà.
Khi ấy, giới chuyên gia tin rằng Covid-19 tương tự căn bệnh "họ hàng" Sars, chỉ những người có triệu chứng mới đủ khả năng lây lan.
"Những người biết rõ về virus corona hơn tôi tỏ ra hoàn toàn chắc chắn", bác sĩ Rothe, làm việc tại Bệnh viện Đại học Munich, nhớ lại.
Song nếu các nhà khoa học đã nhầm lẫn, nếu thực tế mầm bệnh có thể lây lan từ những người không biểu hiện hoặc chưa phát triển triệu chứng, điều này có thể là thảm họa. Các quy định như đo thân nhiệt tại cửa khẩu, tự cách ly nếu bị ốm và hàng loạt chiến dịch nâng cao nhận thức sẽ chẳng còn tác dụng. Thay vào có, chính phủ các nước có thể phải sử dụng biện pháp cứng rắn hơn, như yêu cầu người khỏe mạnh đeo khẩu trang hoặc hạn chế du lịch quốc tế.
Bác sĩ Rothe và các đồng nghiệp là những người đầu tiên đưa ra cảnh báo đối với thế giới về người bệnh không triệu chứng. Tuy nhiên, dù có ý kiến từ các nhà khoa học khác, giới chức y tế một mực tin tưởng các bệnh nhân này không đóng vai trò trong chuỗi lây truyền.
Những ngày sau đó, chính trị gia, nhà chức trách và các học giả đối thủ đều chê bai hoặc phớt lờ luận điểm của đội ngũ tại Munich. Một số người thậm chí cố gắng dập tắt cảnh báo ở thời điểm quan trọng nhất, ngay khi dịch bệnh đang ngấm ngầm lây lan tại các nhà thờ Pháp, sân vận động Italy hay những khu trượt tuyết Austrian.
Các cuộc phỏng vấn tại hơn 10 quốc gia cho thấy trong hai tháng cao điểm, khi đối mặt với bằng chứng di truyền, bác sĩ và giới chức y tế công cộng tỏ ra thờ ơ với thông tin nCoV lây lan cả ở những người trông hoàn toàn khỏe mạnh.
Trong khi đó, những cơ quan hàng đầu, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Châu Âu đưa ra các khuyến nghị mâu thuẫn, đôi khi là sai lệch. Một buổi hội thảo quan trọng về sức khỏe cộng cồng cuối cùng chuyển thành cuộc tranh luận xem nên gọi các bệnh nhân không triệu chứng là gì.
Hai tháng trì hoãn công nhận điều này là kết quả của các giả thuyết khoa học sai lệch, sự cạnh tranh học thuật từ giới chuyên gia và hơn hết, thái độ miễn cưỡng trong việc chấp nhận rằng: không chế virus đồng nghĩa với ban hành các biện pháp quyết liệt, có thể ảnh hưởng kinh tế. Cố gắng phớt lờ những bằng chứng mới là một phần trong chuỗi phản ứng chậm chạp của thế giới đối với Covid-19.
Chưa thể tính được động thái đó đã gián tiếp gây ra bao nhiêu ca tử vong, song các mô hình dịch tễ cho thấy nếu chính phủ hành động quyết liệt hơn, hàng chục nghìn người có thể đã được cứu sống. Những quốc gia tiến hành xét nghiệm đại trà, tích cực truy dấu tiếp xúc và nhanh chóng cách ly cả khách du lịch khỏe mạnh, như Singapore và Australia, đã kiểm soát căn bệnh tốt hơn nhiều.
Đến nay, hầu hết các nước đều đồng tình rằng các bệnh nhân không triệu chứng vẫn truyền được nCoV. Song giới chuyên gia chưa chắc chắn mức độ lây nhiễm của họ lớn đến thế nào. Mô hình dịch tễ sử dụng dữ liệu từ Hong Kong, Singapore và Trung Quốc cho thấy khoảng 30 đến 60% bệnh nhân lây nhiễm khi không biểu hiện gì.
Đến nay, khi toàn thế giới đã ghi nhận hơn 12 triệu ca nhiễm và khoảng 500.000 trường hợp tử vong, Covid-19 vẫn là bài toán chưa có lời giải. Còn quá sớm để biết liệu dịch đã đạt đỉnh, hay làn sóng thứ hai sẽ ập đến trong tương lai. Song rõ ràng, một số quốc gia đã đánh giá sai lầm về virus và bỏ qua nhiều kế hoạch dập dịch khẩn cấp.
Thục Linh (Theo NY Times)