Các biểu hiện của bệnh nhân nCoV ban đầu chỉ là sốt, nhức đầu và khó thở. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 đến nay, giới chức y tế liên tục ghi nhận các triệu chứng lạ như đông máu, tổn thương lành tính ở bàn chân (còn gọi là "ngón chân Covid"), tiêu chảy, đau đầu buồn nôn và cả viêm đa hệ ở trẻ em.
Đến khi dịch bệnh thật sự kết thúc, danh sách triệu chứng sẽ còn rất dài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây có thể không phải điều quá bất thường.
Theo tiến sĩ Gerald Evans, trưởng khoa truyền nhiễm, Đại học Queen, trên thực tế, số triệu chứng của Covid-19 tương đương với các loại bệnh truyền nhiễm khác. Lượng người mắc cũng trong mức trung bình. Ông lấy ví dụ về viêm kết mạc, biểu hiện ở 0,8% người nhiễm nCoV.
"Tuy nhiên, tỷ lệ viêm kết mạc của dân số nói chung cũng là 0,8%. Đây có thể là câu trả lời cho vấn đề", ông nhận định.
Các triệu chứng phổ biến hơn như đau đầu hoặc buồn nôn bắt nguồn từ nhiều lý do. Tiến sĩ Evans cho rằng thật khó để nói nó đặc trưng cho Covid-19.
Trong khi đó, Jason Kindrachuk, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Canada về Virus mới nổi, Đại học Manitoba, khẳng định các biểu hiện của nCoV dường như phong phú là bởi có quá nhiều người mắc bệnh. Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm virus, con số lớn hơn bất cứ đại dịch nào trong 10 năm trở lại đây.
Hiện tượng này tương tự với Ebola. Ban đầu, khi virus chưa lây lan mạnh, các chuyên gia cho rằng họ hiểu biết rõ về căn bệnh. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát năm 2014 ở Tây Phi, số bệnh nhân tăng mạnh, bác sĩ đã có cái nhìn sâu sắc hơn về các triệu chứng.
"Năm 2014, chúng tôi ghi nhận hàng chục nghìn trường hợp dương tính. Đến giờ, các đặc điểm của Covid-19 mới bắt đầu lộ rõ. Tuy nhiên, mô hình dịch tễ của Ebola không còn phụ hợp lúc này, bởi số lượng bệnh nhân lớn hơn rất nhiều, với mức độ nghiêm trọng khác nhau", ông Kindrachuk nói.
Tiến sĩ cũng cho rằng Covid-19 không gây ra các bệnh lý mới. Thay vào đó, nó thúc đẩy sự phát triển của những hội chứng rất hiếm gặp.
"Việc ‘tại sao chỉ một loại virus có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như vậy’ đến nay vẫn là câu hỏi triệu đô", ông Kindrachuk nhận định.
Ban đầu, nCoV được cho là nhắm vào phổi. Tuy nhiên ở các trường hợp bệnh nặng, các cơ quan quan trọng khác của bệnh nhân cũng bị tổn hại. Nhiều người trải qua "cơn bão cytokine", hệ miễn dịch phản ứng quá mức, tấn công thay vì bảo vệ cơ thể.
Theo tiến sĩ Gerald Evans, điều quan trọng nhất là phân biệt biểu hiện đặc trưng cho Covid-19 với các biến chứng kéo theo, như suy thận. Trên thực tế, tình trạng suy tạng phát triển đối với hầu hết người bị nhiễm trùng do virus, không chỉ nCoV.
"Rất nhiều điều có thể xảy ra khi bạn bị bệnh. Một trong số đó là giảm lưu lượng máu đến các cơ quan như thận hoặc não. Vấn đề này không quá hiếm gặp đối với người bệnh nặng, nằm trong khu hồi sức tích cực", ông nói.
Hội chứng rối loạn đông máu, được ghi nhận ở rất nhiều bệnh nhân Covid-19, cũng có thể xảy ra khi mắc bệnh khác. Tuy nhiên tỷ lệ ở người nhiễm nCoV cao hơn. Các biến chứng này nên được điều trị theo cùng một phác đồ, dù người bệnh mắc Covid-19 hay không, tiến sĩ Evans nói.
Đối với tiến sĩ Jason Kindrachuk, vấn đề lớn nhất không phải danh sách dài biểu hiện sau nhiễm nCoV, mà là các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng nào. Họ thường khó để sàng lọc và cách ly kịp thời.
Thục Linh (Theo Global News)