Tốc độ "sinh đẻ" điện thoại, đặc biệt là smartphone đang tăng mạnh hơn bao giờ hết. Theo Digital Trends, mỗi năm có khoảng 1,5 tỷ máy được bán ra, nghĩa là cũng có hàng trăm triệu máy bị loại bỏ.
Đa phần, chúng được bán hoặc tặng lại cho ai đó nếu còn dùng được, hoặc bị bỏ vào ngăn kéo và lãng quên nhiều năm sau. Nhưng nếu đã hỏng, chúng đương nhiên bị ném vào sọt rác, để rồi sau đó nằm trong những bãi chôn lấp khổng lồ. Tại đây, những chất độc hại từ đồ điện tử ngấm sâu vào lòng đất. Theo Popsci, 70% chất độc hại có trong các bãi chôn lấp là từ rác thải điện tử.
Nếu may mắn, những chiếc điện thoại hỏng sẽ được phân loại và mang đến các trung tâm tái chế. Tuy nhiên, số phận của chúng cũng rất khác nhau.
Nếu lọt vào các công ty tái chế uy tín, rác thải điện tử được kiểm tra để xem còn sử dụng được hay không. Nếu có, chúng sẽ được tân trang, thay vỏ và linh kiện bị hỏng, sau đó xuất sang các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ... những nơi còn thiếu thiết bị di động.
Nếu không còn sử dụng được, chúng sẽ bị đưa vào lò để phá hủy và tách một số kim loại quý như vàng hay Paladi (thu được khi nung nóng chảy các bảng mạch). Khi bị đốt cháy, các chất độc được giải phóng như clorua, thủy ngân..., nếu không xử lý cẩn thận, những chất này sẽ bay vào khí quyển gây ô nhiễm môi trường.
Việc tái chế còn tốt hơn nhiều so với mang những chiếc điện thoại hỏng sang các nước khác. Theo Recode, có những tổ chức "đen" kiếm tiền bằng cách thu gom rác thải điện tử, đóng gói vào các container và bán qua một mạng lưới trung gian bí ẩn. Kết quả, chúng sẽ nằm trong những bãi phế liệu ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ghana và Pakistan. "Chi phí môi trường cao nhưng chi phí con người để giải quyết rác thải điện tử còn cao hơn. Đó là lý do không ít quốc gia muốn tẩu tán chúng qua các nơi khác", Peter Holgate của Recode cho biết.
Tại các "nghĩa trang" đồ điện tử như Agbobloshie ở Tây Phi hoặc các khu vực tương tự ở châu Á, có hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ hoặc các hộ gia đình làm công việc "nấu" bo mạch điện tử để trích xuất kim loại bên trong. Tuy nhiên, họ không có các tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù và hệ quả tất yếu là chất độc hại sẽ đi vào môi trường. Một chuyên gia cho biết, những chất như niken, cadmium, thủy ngân... được sử dụng trong quá trình tái chế nếu ngấm vào đất hay phát tán trong không khí sẽ khiến khu vực đó nhiễm độc. Hậu quả là công nhân, người dân sống xung quanh đó đối mặt với nguy cơ bị các bệnh hiểm nghèo như ung thư, dị tật...
Theo thống kê, vàng có trong chất thải điện tử trên toàn thế giới bằng 11% lượng vàng khai thác mỗi năm ở các mỏ quặng. Có nghĩa là mỗi năm, hàng tấn vàng bị vứt vào sọt rác. Gần đây, các công ty công nghệ bắt đầu thu gom rác thải công nghệ, như Apple, Samsung, Best Buy và Amazon khuyến khích người tiêu dùng trả lại các thiết bị cũ để đổi lấy tiền mặt hoặc thẻ quà tặng.
Theo Fairphone, có một giải pháp khá hay để hạn chế rác thải điện tử trong đó có điện thoại, là thiết kế dạng module cho chúng. "Những smartphone như Project Ara của Google giúp người dùng thay thế hoặc nâng cấp từng bộ phận, thay vì phải vứt nguyên chiếc và mua mới", một chuyên gia của Fairphone ví dụ.
Cũng theo Holgate, trong khi chờ đợi tiến bộ của tương lai, điều cần làm nhất vẫn là ý thức người dùng khi sử dụng thiết bị điện tử. Họ nên phân loại rác thải ngay từ nguồn và gửi đến các tổ chức tái chế uy tín thay vì để trộn lẫn nhiều loại rác với nhau như hiện nay. Ngoài ra, các công ty sản xuất điện thoại nói riêng và đồ điện tử nói chung cần có trách nhiệm hơn, trong đó có việc thu gom lại những sản phẩm mà người dùng không sử dụng nữa.
Bảo Lâm