Một khách hàng ở quận 7, TP HCM có thẻ thanh toán mở tại Ngân hàng Đông Á (EAB) than phiền, do địa bàn nơi anh sống không có máy ATM của EAB, nên mỗi lần muốn sử dụng thẻ anh phải sang tận chi nhánh ngân hàng này ở quận 4, cách nhà 3 km.
Ước tính toàn TP HCM hiện có trên 6.000 điểm thanh toán thẻ điện tử. Mỗi ngân hàng chỉ đầu tư đặt máy tại những vị trí thuận lợi nhất như siêu thị, bệnh viện, nhà hàng, trung tâm thương mại, khách sạn... Còn tại các chợ, các cửa tiệm buôn bán trên đường phố - nơi diễn ra hoạt động mua bán nhiều nhất của cư dân thành thị - lại hoàn toàn vắng bóng các máy ATM. Vì vậy, dù có thẻ nhưng khách hàng ít sử dụng. Ngay cả khi mua hàng tại siêu thị, nếu thanh toán thẻ, khách phải đến chỗ thanh toán thẻ ký xác nhận số tiền mua hàng vào 3 chứng từ do máy in ra rồi mới được nhận hàng. Thời gian thanh toán thẻ, do đó đã chậm hơn 4-5 lần so với thanh toán thủ công...
Mặt khác, trong khi dân chúng chưa quen thanh toán thẻ thì các ngân hàng thương mại lại ồ ạt đầu tư cho hệ thống này. Mỗi đơn vị mua thiết bị làm thẻ theo một công nghệ riêng, đầu tư hệ thống máy thanh toán và nối mạng riêng. Điểm thanh toán của ngân hàng nào thì chỉ chấp nhận thanh toán thẻ của ngân hàng đó. Vì vậy, tại siêu thị hay nhà hàng, tuy có máy ATM nhưng nếu không sử dụng đúng thẻ của ngân hàng đó thì khách vẫn phải trả bằng tiền mặt.
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Á châu, mỗi máy thanh toán thẻ có giá từ 350 đến 600 USD. Nếu tính trung bình mỗi máy giá 450 USD thì số tiền đầu tư cho lượng máy ATM của toàn TP HCM lên tới 2,7 triệu USD, chưa kể chi phí nối mạng, hệ thống máy chủ trung tâm, thiết bị làm thẻ.
(Theo Người Lao Động)