Trưa 22/2, Nguyễn Hoàng Long, lớp 9A10, trường THCS Sài Đồng, quận Long Biên, vừa ăn vừa liên lục ngó thông báo trên điện thoại, chờ thông tin về số môn thi vào lớp 10 công lập.
"Em muốn thi ba môn, nên rất vui trước quyết định bỏ môn thứ tư của thành phố", Long nói. Nam sinh lý giải đặt mục tiêu vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Trường này năm ngoái lấy điểm chuẩn 41,75, trung bình 8,35 điểm mỗi môn. Tuy nhiên, nam sinh hơi đuối môn Văn, nên việc thi ba môn giúp em có thêm giời gian để cải thiện môn này.
Chị Vũ Thị Tươi, sống tại huyện Đông Anh, nói như trút được gánh nặng khi con gái bớt được một môn thi. Hơn hai tuần trước, chị Tươi đứng ngồi không yên khi phải lên kế hoạch tìm thầy, xếp lịch học thêm Toán, Văn, Tiếng Anh, sao cho vẫn còn thời gian trống để ôn thêm môn thứ tư nếu "chẳng may phải thi". Nhưng giờ, người mẹ nói đã yên tâm hơn.
"Các con có nhiều năm chuẩn bị ba môn bắt buộc, nhưng chỉ vài tháng để học môn thứ tư. Việc này gây khó khăn và căng thẳng nên bỏ môn thứ tư là hợp lý", chị nói.
Nhiều học sinh, phụ huynh vui mừng trước quyết định thi ba môn vào lớp 10 của Hà Nội. Theo khảo sát của VnExpress trưa nay, hơn 2.680 trong 3.000 người được hỏi ủng hộ phương án thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, chiếm 91%. Trong khi đó, chỉ hơn 250 người (9%) cho rằng vẫn nên duy trì thi môn thứ tư.
Kết quả này tương đồng với khảo sát của UBND thành phố một tuần trước, khi đa số người được hỏi chọn phương án thi ba môn.
Trần Nhật Vy, trường THCS Bùi Quang Mại, huyện Đông Anh, ban đầu từng ủng hộ thi môn thứ tư vì cho rằng môn này giúp gỡ điểm. Để trúng tuyển THPT Bắc Thăng Long, trường lấy điểm chuẩn trung bình 6,75 mỗi môn vào năm ngoái, Vy nghĩ nếu môn thứ tư là Lịch sử, Địa lý hoặc Giáo dục công dân, cơ hội trúng tuyển của em sẽ nhiều hơn, bởi em học tốt các môn này.
Tuy nhiên, nữ sinh nhìn nhận trong trường hợp môn thứ tư vào Vật lý, Hóa học và Sinh học, em sẽ chật vật ôn tập. Vì vậy, nữ sinh luôn lo lắng không biết môn nào được chọn. Với phương án thi ba môn, Vy nói mình cũng nhẹ nhõm hơn để tập trung ôn thi.
Về phía nhà trường, hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Đông Anh, cho rằng đây là thông tin "tuyệt vời" và đã "ngóng" nhiều ngày qua. Vị này cho hay thi ba môn là cần thiết và hợp lý, bởi đây là những môn cơ bản, trang bị cho học sinh kiến thức về tự nhiên, xã hội và ngôn ngữ chuẩn giao tiếp hội nhập.
Trong khi đó, môn thứ tư chưa chắc đã là môn gỡ điểm nếu sức học của học sinh chưa tốt. Hơn nữa, tỷ lệ cạnh tranh sẽ khác nhau giữa từng trường, khu vực, nên việc gỡ điểm hay không còn liên quan đến yếu tố này. Dù luôn trong tâm thế chủ động nếu thi bốn môn nhưng thầy cô và học sinh sẽ vất vả hơn nếu tốn thêm thời gian, công sức ôn tập môn thứ tư.
"Học để thi khác với học bình thường trên lớp nên cần có sự chuẩn bị mới hiệu quả được", vị này chia sẻ.
Dù vậy, không phải tất cả đều cho rằng quyết định thi ba môn vào lớp 10 là hợp lý.
Chị Lê Thị Thu Lan, sống tại quận Long Biên, cảm thấy hụt hẫng. Chị cho biết lúc đầu "cũng nghĩ thi càng ít càng tốt", nhưng con trai chị chật vật học Văn và Tiếng Anh, trong khi lại có thế mạnh Lý, Hóa. Vì thế, chị cho rằng thi bốn môn và môn thứ tư vào các môn mà con học tốt, cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều hơn.
Hiệu trưởng một trường THCS ở nội thành cho rằng việc thi mấy môn còn cần phù hợp với tình hình thực tế. Đồng cảm với quyết định bỏ thi môn thứ tư của năm 2020, 2022 vì việc học tập diễn ra trong khi dịch Covid-19 phức tạp, nhưng năm nay thì cô băn khoăn vì cuộc sống đã trở lại bình thường.
Cô này cho rằng môn thứ tư không chỉ để thi vào lớp 10 mà còn gắn với mục đích lâu dài của giáo dục. Hiện, học sinh vẫn có tâm thế "thi mới học", nên khi không thi môn thứ tư, các em sẽ chỉ học Toán, Văn, Ngoại ngữ.
"Chúng ta muốn học sinh có kiến thức, kỹ năng để vào đời, mà lại không muốn học, ngại vất vả thì làm thế nào?", cô nói.
Không thuộc nhóm ủng hộ hay phản đối, chị Thu Hằng, sống tại quận Cầu Giấy, tỏ ra bàng quan trước số môn thi vào lớp 10 của Hà Nội, dù con trai chị đang học lớp 9. Người mẹ cho biết lực học của con yếu, "không hy vọng gì", nên chị định hướng con học nghề hệ 9+. Chị và gia đình đang cho con tham gia trải nghiệm, học thử một số nghề liên quan công nghệ thông tin, kỹ thuật ôtô để chọn trường phù hợp.
Dù có quan điểm trái ngược hay định hướng khác nhau, các học sinh, phụ huynh hay nhà quản lý đều cho rằng Hà Nội nên duy trì ổn định phương thức tuyển sinh lớp 10 công lập.
Sau nhiều năm thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hà Nội lần đầu tổ chức thi bốn môn bắt buộc để tuyển sinh lớp 10 từ năm 2019. Ngoài ba môn bắt buộc, học sinh phải thi thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư, được công bố vào tháng 3. Sở Giáo dục và Đào tạo nhiều lần cho biết việc thi bốn môn vào lớp 10 để tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ. Năm 2020, thành phố bỏ môn thứ tư do dịch bệnh bùng phát. Năm 2021, Hà Nội trở lại thi bốn môn, sau đó tiếp tục bỏ môn thứ tư trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2022. Trong hai lần thi môn thứ tư, Lịch sử đều là môn được chọn.
Ngay cả khi đã xác định cho con học nghề, chị Thu Hằng nói "đôi lúc cũng bị mệt mỏi", vì câu chuyện thi mấy môn được "nhắc tới quá nhiều".
"Tỉnh, thành nào cũng thi lớp 10, mà chỉ thấy Hà Nội rôm rả như vậy", chị nói và cho rằng chính việc này cũng tạo áp lực cho học sinh.
Ngoài con trai lớp 9, chị Lê Thị Thu Lan còn một bé gái, năm nay lớp 7. Người mẹ băn khoăn liệu phương án thi ba môn sẽ được áp dụng lâu dài, nghĩa là môn thứ tư chính thức bị "xóa sổ", hay "năm nào biết năm đấy".
"Tôi không muốn hai năm tới lại tiếp tục thấp thỏm, trông chờ, rồi vui buồn lẫn lộn. Tôi nghĩ việc thông báo sớm phương án, giữ ổn định là điều cần làm, để cả học sinh, gia đình và nhà trường có thể lên kế hoạch dài hơi", chị Lan nói.
Thanh Hằng - Bình Minh