Tối 29/11, lễ trao Giải thưởng Gusi Hòa bình năm 2023 diễn ra tại thủ đô Manila, Philippines. Thầy Mạnh là đại diện duy nhất được Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề cử.
"Tôi nhận giải thưởng này là đại diện cho những ngôi trường, các thầy cô giáo đang nỗ lực vì trường học hạnh phúc ở Việt Nam", thầy giáo Vĩnh Phúc nói trong lễ trao giải.
![Thầy Mạnh và con gái tại buổi lễ trao giải tối 29/11 ở Manila, Philippines. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/11/30/nhan-giai-4517-1701304266-1701-4669-7443-1701306953.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vatsKil0xpUYBBrBpYEkmQ)
Thầy Mạnh và con gái tại buổi lễ trao giải tối 29/11 ở Manila, Philippines. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết thầy Mạnh được chọn vì những cống hiến cho giáo dục; là một trong những hiệu trưởng khởi xướng và tiên phong hoạt động vì cộng đồng. Đặc biệt, thầy có những cống hiến vượt lên nhiều giáo viên khác khi áp dụng mô hình trường học hạnh phúc theo xu hướng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và các nước trên thế giới hiện nay.
Thầy Mạnh từng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội hồi tháng 1 sau video tâng bóng 2.700 lượt, trước hơn 1.000 giáo viên và học sinh ở sân trường Tiểu học Hội Hợp B. Khi đó, thầy nói việc này nhằm truyền đi thông điệp về lợi ích của việc luyện tập thể thao tới sức khỏe và sự kiên trì.
Đây cũng là một cách để xây dựng trường học hạnh phúc. Khi tạo được tâm lý thoải mái cho giáo viên và học sinh; mọi người được tôn trọng, yêu thương, an toàn và có giá trị thì sẽ phát huy được năng suất lao động sư phạm cũng như hiệu quả học tập.
Trước đây, mục tiêu giáo dục là phát triển theo hướng chú trọng kiến thức, kỹ năng nhưng giờ là năng lực và phẩm chất. Song song với việc rèn chuẩn kiến thức, kỹ năng, trường còn tạo nhiều hoạt động để học trò nâng cao năng lực, chú trọng đến năng lực tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đánh giá thầy Mạnh là người tạo động lực mạnh mẽ về tình yêu và trách nhiệm với nghề dạy học trong bối cảnh đổi mới; là người tạo ra xu hướng chuyển đổi số trong các trường tiểu học, ứng phó với các biến đổi chung đang diễn ra ngày càng lớn.
"Đây thực sự là niềm tự hào của tổ chức công đoàn, ngành giáo dục và cá nhân thầy Đào Chí Mạnh. Tôi bất ngờ và vui khi nhận được thông tin này", ông Ân cho biết.
![Thầy Mạnh (thứ ba từ trái sang) tại lễ trao giải tối 29/11 ở Manila, Philippines. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/11/30/nhan-giai3-8410-1701304266.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6ssGrguF_veYEz8PMryVJg)
Thầy Mạnh (thứ ba từ trái sang) tại lễ trao giải tối 29/11 ở Manila, Philippines. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giải thưởng Gusi Hòa bình quốc tế mang tên đại úy Gemeniano Javier Gusi, một du kích trong Thế chiến thứ hai ở Philippines. Chiến tranh kết thúc, ông trở thành chính trị gia, nổi tiếng vì đấu tranh cho nhân quyền, giúp đỡ người nghèo. Sau khi ông mất, con trai ông đã lập Quỹ giải thưởng Gusi Hòa bình, trao cho các cá nhân, tổ chức có những đóng góp cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu ở nhiều lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, giáo dục, y tế...
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân đây là năm đầu tiên Việt Nam đề cử ứng viên. Hội đồng gồm 21 thành viên đến từ Hy Lạp, Mỹ, Hong Kong, Trung Quốc, Philippines, New Zealand, Italy và Anh sẽ bỏ phiếu lựa chọn.
Bình Minh