David William Coley hiện là giáo viên Toán trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, học viên thạc sĩ ngành Lý thuyết xác suất và thống kê Toán học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Việc dạy học ở Việt Nam là cái duyên. Còn đi học thạc sĩ tại Việt Nam là điều mà chính tôi không ngờ tới", David nói.
David và vợ có chung sở thích khám phá những vùng đất mới. Từng đặt chân đến nhiều nước, nhưng vì quá yêu thích văn hóa và ẩm thực Việt Nam, anh thử ứng tuyển vị trí giáo viên của một trường quốc tế Mỹ tại Hà Nội, năm 2017.
Bằng cử nhân ngành Toán từ Đại học Chicago, cùng kinh nghiệm 5 năm làm giáo viên ở Mỹ giúp David được nhận. Ngay khi đó, anh cùng vợ chuyển đến Việt Nam sống.
Sau 5 năm, David muốn đổi môi trường để hiểu giáo dục Việt Nam hơn nên ứng tuyển vào trường Nguyễn Siêu để dạy Toán chương trình Cambridge.
"Đây là bước ngoặt với tôi", David nói.
Được đồng nghiệp ở trường động viên đi học thạc sĩ, David thi và trúng tuyển ngành Lý thuyết xác suất và thống kê toán học, hồi năm ngoái.
Ngay kỳ đầu, David phải học các môn chung, trong đó có Triết học, môn mà anh chưa học bao giờ. Các từ ngữ, kiến thức trừu tượng khiến vốn tiếng Việt đạt C1 khi đó cũng không giúp anh nghe hiểu tất cả bài giảng. David chỉ đặt mục tiêu qua môn.
Khi học đến các môn chuyên ngành, David không gặp nhiều khó khăn vì kiến thức gần gũi. Tuy nhiên, anh phải nỗ lực vì các bài giảng thường có tốc độ nhanh, học viên ít cơ hội hỏi trực tiếp thầy cô ngay lập tức.
David kể còn có nhiều trải nghiệm "lạ" như cả lớp đứng lên chào khi thầy cô vào lớp, làm bài thi trên phiếu "đặc biệt" vì có phần phách, phải cắt trước khi thầy cô chấm bài.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay David Coley là học viên người Mỹ hiếm hoi học thạc sĩ ở trường trong hơn 70 năm qua.
Một giảng viên khoa Toán Tin dạy David hai môn đánh giá anh có ý thức học tập và khả năng tư duy rất tốt. "Tôi cũng đánh giá cao khả năng hoà nhập của David", thầy nói.
David cũng có chứng chỉ C2 tiếng Việt - mức cao nhất, dành cho người có thể hiểu hầu hết văn bản nói và viết, có khả năng tóm tắt thông tin, sắp xếp và trình bày lại một cách logic, diễn đạt trôi chảy và chính xác.
"Khi mới đến đây, dù trường không yêu cầu trình độ tiếng Việt, tôi vẫn nghĩ phải học chỉn chu để giao tiếp được với mọi người", David cho hay.
Từng học tiếng Đức và Nga, David thấy tiếng Việt phát âm khó bởi có nhiều dấu và những âm lạ như "ấu", "ừu". Để học nhanh, David không ngại sai và thắc mắc bất cứ khi nào không hiểu. Thầy giáo Mỹ cũng thường xuyên chơi đuổi hình bắt chữ, thậm chí tự vẽ hình, tạo câu hỏi đố ngược các bạn Việt Nam để rèn từ vựng. Anh từng tham gia chương trình Vua tiếng Việt năm 2021.
Sự ham học tiếng Việt của David gây ấn tượng với nhiều đồng nghiệp. Một lần, David chép tay bài thơ "Nói với con" của tác giả Y Phương rồi gạch chân những từ chưa hiểu, đi hỏi đồng nghiệp: "Xa nuôi chí lớn có phải là dù cha ở xa nhưng vẫn nuôi chí lớn cho con không", hay "Người đồng mình khác gì người đồng minh". Khi đọc bài "Mường Khương" và thấy câu "Trong rừng cây âm u", David lại hỏi "Âm u có phải một loài cây không"?.
Thầy Tạ Thanh Giang, cố vấn Toán trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, nói David luôn hỏi đồng nghiệp mỗi khi có dịp. Trong tác phẩm "Miếng ngon Hà Nội" của Vũ Bằng, tác giả viết phở Hà Nội ban đầu chỉ có phở bò và bán vào các ngày, trừ thứ hai và thứ sáu. Thấy kỳ lạ, David đến hỏi thầy Giang vì nghĩ thầy sống trong giai đoạn đó. Khi chưa nhận được lời giải thích, David tìm một giáo viên dạy Lịch sử để hỏi.
"Đến giờ ăn trưa, David gặp lại tôi và thông báo đã tìm được câu trả lời. Nhìn David, tôi hiểu cậu ấy đã rất vui", thầy Giang nhớ lại.
Khi mới về trường, David đề xuất mỗi tuần, giáo viên trong tổ Toán (dạy bằng tiếng Việt) hoặc tổ Maths (dạy Toán bằng tiếng Anh) luân phiên ra đề để các thành viên hai tổ cùng giải. Lời giải hay được nhận quà.
"Mọi người tham gia rất vui vẻ. Sáng kiến của David giúp thành viên hai tổ gần gũi nhau hơn, bất chấp rào cản về ngôn ngữ", thầy Giang kể.
David cho biết khi chuyển từ trường quốc tế về Nguyễn Siêu, anh phải thay đổi nhiều, đặc biệt về hoạt động dạy học bởi số học sinh một lớp nhiều gấp rưỡi.
Anh thường chia một tiết học thành 3-4 phần với các hoạt động khác nhau để kiểm tra kiến thức cũ, dạy bài mới, cho bài tập liên quan và hướng dẫn học sinh áp dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tế.
Điều David luôn quan tâm là phải giao tiếp được nhiều với học sinh và để các em tự tìm ra lỗi sai.
"Tự tìm được lỗi nghĩa là học sinh đã hiểu bài và sẽ nhớ lâu hơn", David lý giải.
Ngoài giảng dạy, David hỗ trợ chương trình "Đổi rác lấy quà" - sự kiện hàng tháng ở trường Nguyễn Siêu, dạy tiếng Anh miễn phí cho giáo viên vào dịp hè và du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc. Thầy giáo dạy Toán nói những trải nghiệm ở Việt Nam đều thú vị.
Sau nhiều năm xa nhà, David sẽ quay lại Mỹ trong thời gian tới. Anh dự định học lên tiến sĩ và tiếp tục làm việc trong ngành giáo dục.