Những ngày này, thầy Nguyễn Duy Trình, giáo viên thể chất trường Tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành luôn thường trực nhiều nỗi lo. Nhiều năm qua, gia đình ba thế hệ của thầy sống trong căn nhà cấp bốn chật chội, trời mưa dột phải mang chậu ra hứng. Nhà xuống cấp, con cái đã lớn, cần không gian riêng nên mới đây, thầy quyết định vay 400 triệu đồng từ một chương trình hỗ trợ và mượn thêm người thân, bạn bè để cất một căn nhà mái bằng nhỏ.
"Vay nhưng tôi cũng lo lấy đâu để trả. Vay trong 15 năm, mỗi tháng trả 2 triệu đồng, coi như hết lương", thầy Trình nhẩm tính. Người thầy 44 tuổi, mang danh "giáo viên hợp đồng" đã 18 năm qua.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Thể dục Thể thao Đà Nẵng, thầy Trình về quê, xin dạy hợp đồng cho trường Tiểu học Hùng Thành với mức lương 200.000 đồng một tháng. Bố là thương binh, mẹ lại thường xuyên bệnh tật, cuộc sống gia đình dựa chủ yếu vào 5 sào ruộng kèm khoản trợ cấp của bố, cả nhà đặt nhiều hy vọng vào cậu con trai được ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định.
Nhưng từ lúc thầy Trình đi làm, cuộc sống không cải thiện là bao khi tiền lương hợp đồng hàng tháng quá ít ỏi, nhiều năm không được vào biên chế. Sau khi lập gia đình rồi lần lượt hai đứa con ra đời, vợ chồng thầy Trình càng thêm vất vả. Vợ thầy là giáo viên mầm non, sức khỏe yếu nên không làm thêm được công việc gì. Trong khi đó, đồng lương của thầy gần 20 năm qua lên được mức 290.000 đồng, rồi 340.000 đồng và giờ được khoảng 2,6 triệu đồng mỗi tháng.
"Cũng may nhà cấy được lúa, nuôi thêm lợn, gà và trồng ít rau nên không lo cái ăn hàng ngày", thầy Trình nói, cho biết bao năm qua, thầy phải làm nhiều công việc để có thêm "đồng ra đồng vào". Ngoài giờ lên lớp, thầy đi lắp đặt và sửa chữa điện nước. Mùa hè, thầy nhận dạy bơi, bóng chuyền, khai thác tràm thuê hay đi phụ hồ. Tiền công mỗi ngày khoảng 300.000 đồng, tùy công việc. "Ai thuê gì tôi làm nấy. Tiền công đi làm mấy tháng hè hơn tiền lương cả năm nhưng công việc chỉ mang tính thời vụ, không đều", thầy giáo 44 tuổi cho hay.
Nhớ lại những ngày đầu đi phụ hồ, thầy Trình nói mặc cảm, vừa làm vừa hồi hộp, lo bị đồng nghiệp hoặc phụ huynh bắt gặp. Nhưng rồi thầy tự động viên mình cố gắng chu toàn công việc ở trường. Thầy có nhiều năm làm bí thư đoàn trường, tích cực tham gia các hoạt động và nhận nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Để có hy vọng vào biên chế, thầy Trình cũng tranh thủ học lên trình độ đại học. Mỗi khi có đợt tuyển dụng, thầy đều làm hồ sơ thi tuyển với mong mỏi năm nay sẽ "đến lượt mình". Nhưng chờ đợi cả thanh xuân, đến giờ thầy vẫn là giáo viên hợp đồng.
Buồn và thất vọng, thầy Trình nhiều lần định bỏ việc để đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Người thân cũng động viên thầy tìm việc khác có thu nhập tốt hơn. Thế nhưng, chỉ cần đứng trước học sinh mỗi giờ lên lớp, thầy Trình dường như quên hết mọi nỗi lo âu.
"Bên ngoài lớp học, tôi có thể là một phụ hồ, thợ điện nhưng khi đứng trên bục giảng, tôi hãnh diện là một người thầy", thầy Trình chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hùng Thành, cho biết thầy Trình được đồng nghiệp và học sinh yêu mến vì sự nhiệt tình và yêu nghề. "Ai cũng muốn thầy Trình được biên chế. Xác định theo nghề và có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ biên chế nên thầy chịu thiệt thòi để bám trụ đến giờ", cô Nga nói.
Cô Nga cho hay thầy Trình là giáo viên hợp đồng nhưng có định mức 23 tiết mỗi tuần giống như các giáo viên biên chế khác. Trong khi đó, lương giáo viên biên chế cao hơn nhiều và còn được hưởng một số khoản tiền phụ cấp. Hiện ở trường Hùng Thành còn 5 giáo viên hợp đồng lâu năm, nhưng thầy Trình là lâu nhất. Đợt xét đặc cách giáo viên hợp đồng của huyện hồi tháng 6 vừa qua, dù có chỉ tiêu giáo viên thể dục cấp tiểu học, thầy Trình một lần nữa không trúng tuyển.
Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành, số giáo viên hợp đồng của huyện chủ yếu là hợp đồng 06, 09 ở mầm non (hợp đồng theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ, đã hết hiệu lực từ đầu năm 2022). Mới đây, trung ương bổ sung cho Nghệ An 2.820 biên chế giáo viên công lập năm học 2022 - 2023 và số giáo viên diện hợp đồng 06, 09 được ưu tiên đợt này.
"Chúng tôi cũng đang xin chỉ tiêu của Sở Nội vụ để ưu tiên những trường hợp hợp đồng lâu năm, có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục như thầy Trình. Huyện cũng chỉ còn vài chục trường hợp như vậy nữa thôi", ông Tĩnh cho biết.
Sang năm, con gái lớn thi đại học, lương một tháng khoảng 9 triệu đồng của hai vợ chồng thầy Trình không đủ để vừa trả nợ, vừa chu cấp nếu con học ở Hà Nội hay TP HCM. Thời điểm này, nghỉ việc để làm công nhân hay đi xuất khẩu lao động đều rất khó vì thầy Trình đã luống tuổi.
Mong ước lớn nhất bây giờ của thầy là được vào biên chế. "Ngoài sự phấn đấu được ghi nhận, quan trọng là tư tưởng của tôi thoải mái và tự tin hơn", thầy giáo nói.
Bình Minh