Ranjitsinh Disale là giáo viên tiểu học ở Ấn Độ. Năm 2009, khi đến làm việc tại Trường Tiểu học Zilla Parishad, làng Paritewadi, thành phố Solapur, bang Maharashtra, anh nhận thấy cần làm gì đó để tăng tỷ lệ nữ sinh đi học bởi hầu hết cô gái kết hôn ở tuổi vị thành niên. Chương trình giảng dạy không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Kannada) khiến nhiều học sinh không thể học được.
Ranjitsinh đã học tiếng Kannada để thiết kế lại tất cả sách giáo khoa lớp 1-4, mã hóa QR tất cả bài thơ, truyện, video bài giảng, bài tập bằng tiếng Kannada cho học sinh dễ học, có thể học ngay cả khi trường bị đóng cửa.
Những việc làm của Ranjitsinh đem đến hiệu quả "phi thường", theo đánh giá của Global Teacher Prize. Hiện, 100% nữ sinh ở làng được đến trường, không em nào kết hôn ở tuổi vị thành niên. Gần đây, trường học này cũng được trao giải thưởng trường tốt nhất Solapur với 85% học sinh đạt điểm A trong các kỳ thi hàng năm. Một cô gái trong làng đã tốt nghiệp đại học - điều được xem như không tưởng trước khi Ranjitsinh đến.
Ranjitsinh sau đó tiếp tục tạo ra cuộc cách mạng trong việc sử dụng sách giáo khoa được mã hóa QR trên khắp Ấn Độ, tham gia giải quyết nhiều vấn đề thực tế mà ngôi trường của anh phải đối mặt.
Nhận được giải thưởng trị giá một triệu USD, Ranjitsinh cho biết sẽ chia một nửa cho 9 giáo viên trong top 10 chung cuộc, tức mỗi giáo viên còn lại trong top 10, trong đó có cô giáo Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, Phú Thọ, Việt Nam) sẽ nhận được hơn 55.000 USD. Ranjitsinh là người đầu tiên làm điều này trong lịch sử 6 năm của giải thưởng giáo viên toàn cầu.
Năm nay, ngoài Ranjitsinh Disale, ban tổ chức Global Teacher Prize còn trao giải "người hùng Covid" trị giá 45.000 USD cho giáo viên Toán người Anh Jamie Frost, người sáng lập chương trình DrFrostMaths miễn phí, giúp học sinh trên toàn thế giới có thể tiếp cận với Toán học, ngay cả khi không thể đến trường.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu - Global Teacher Prize được Varkey Foundation - quỹ từ thiện toàn cầu, sáng lập năm 2014. Năm nay, 12.000 ứng viên từ hơn 140 quốc gia đã gửi hồ sơ tới. Chỉ một giáo viên xuất sắc nhận được giải thưởng một triệu USD từ ban tổ chức.
Năm 2019, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi, nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Trong lịch sử 6 năm của giải, Việt Nam có ba giáo viên được vinh danh là cô Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, Phú Thọ) lọt top 10 năm nay, cô Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) top 50 năm ngoái, thầy Ngô Thành Nam (khi đó là giáo viên trường Vinschool) top 50 năm 2018.