Từ hôm qua đi đổ xăng mới biết giá đã lên 2.000 đồng một lít, anh Hiếu (quận 3, TP HCM) làm nghề phân phối nước giải khát đến các cửa hàng bán lẻ vẫn chưa hết bàng hoàng: “Xăng mới tăng đợt trước chưa hết sốc nay lại tăng nữa, chán quá. Nghề của tôi mỗi ngày phải chạy vài trăm cây số mà thu nhập chỉ đủ chi tiêu gia đình. Giờ mỗi ngày mất thêm vài chục nghìn cho tiền xe cộ thì làm sao sống nổi”.
Anh Hiếu cho biết, trước mắt, để bám trụ với nghề, anh sẽ đổi xe Wave RS đang chạy sang dùng chiếc super cub 50 để chở hàng. “Xe cub tuy chạy chậm và yếu hơn một chút nhưng được cái đỡ hao nhiên liệu”, anh ngao ngán tính toán.
Thay vì đến các sạp hàng gần nhà, nhiều bà nội trợ chịu khó đi tới những chợ lớn xa, chợ đầu mối để mua được thực phẩm rẻ hơn. Ảnh minh họa: Minh Thùy. |
Chưa hết hoảng hồn vì giá các mặt hàng đang "té nước theo mưa" của đợt tăng giá xăng trước, nên lần này, ngay khi biết tin xăng lại giá mới, từ sáng sớm gia đình chị Phượng (quận Bình Thạnh) đã thống nhất dùng sổ thống kê chi tiêu để kiểm soát nghiêm túc tài chính trong nhà, đồng thời cắt giảm những khoản sắm đồ đạc và ăn uống hàng ngày.
Chị bảo: “Trước đây mỗi ngày ăn nửa ký thịt thì giờ chỉ 3 - 4 lạng thôi, kho mặn hơn chút để ăn dè. Mình đang dần chuyển khẩu phần qua cá khô, đậu hũ cho đỡ tốn. Đến nước này rồi không tính toán lại thì không sống được”.
Không những thế, vợ chồng chị còn gỡ bỏ chiếc máy điều hòa trong phòng và chuyển sang dùng quạt máy với hy vọng sẽ tiết kiệm điện. Hằng tháng, chị cũng tranh thủ dậy sớm, vài lần đến chợ đầu mối Thủ Đức mua các loại rau củ giá sỉ để dành ăn dần.
“Đi xa chút nhưng tiết kiệm được mỗi ký rau cũng gần chục nghìn đấy. Mấy đứa con giờ than ăn rau hoài ngán nhưng mình chỉ biết an ủi chúng là rau tốt cho sức khỏe”, chị bộc bạch.
Đối phó với tình hình này, cô Loan, giáo viên trường Trung học Cơ sở Tân Bình cũng quyết định sửa lại chiếc xe đạp cũ để đi dạy thay vì đi xe máy như trước. Mặc dù sẽ vất vả hơn vì mỗi sáng phải dậy sớm, đạp xe 5 cây số đến trường, song cô Loan cho biết, đây là phương án tối ưu nhất, khi mà giá xăng thì tăng mãi, trong khi lương giáo viên vẫn giậm chân tại chỗ.
Không chỉ ở TP HCM, nhiều bà nội trợ tại Hà Nội và các thành phố lớn cũng bắt đầu quen dần với thói quen "tăng rau, giảm thịt, đạm bạc tối đa".
"Về ăn uống, mình quán triệt, chỉ mua những thứ bổ, rẻ như rau, cá... cắt hẳn các món khoái khẩu nhưng dễ 'lõm ví' như sườn, hải sản... Đồ đạc trong nhà cái gì thật cần thiết mới mua, quần áo, giày dép của cả vợ, chồng lẫn con cũng nằm trong nhóm 'không cần thiết' nên cắt hết", chị Bình (phố Trần Bình, Từ Liêm, Hà Nội) kể.
Chị cho biết, thu nhập hằng tháng của vợ chồng chị cũng được mười mấy triệu, nhưng với tốc độ đội giá các mặt hàng như hiện nay, nếu không tính toán kỹ sẽ khó trụ vững. "Sườn rán, sườn xào chua ngọt là món khoái khẩu của nhà mình, cũng là món mình làm ngon nhất, nhưng lâu rồi không dám ăn, vì tính ra quá đắt, 100 nghìn một cân, một bữa 4 người hết veo", chị Bình than thở.
Hiện tại, món được gia đình chị "kết" nhất là các loại cá đông lạnh như cá ngừ, cá kìm, cá nục..., đơn giản vì giá của chúng "mềm" hơn giá cá tươi mà vẫn đảm bảo đủ chất. Rau củ thì chủ yếu là những loại chính vụ, rẻ hơn đáng kể.
Ngoài bữa ăn, chị Bình cũng liệt kê ra các khoản cần cắt giảm: Đám hiếu, hỉ chỉ đi khi thật sự thân thiết, hạn chế tối đa việc ăn hàng, quán, cân nhắc khi mời bạn bè đến tụ tập, chè chén...
Có con nhỏ mới hơn một tuổi, chưa thể cho đi học, chị Giang (ngõ Trại Cá, Hoàng Mai, Hà Nội) đang nghĩ cách nhờ bà ngoại lên chăm cháu để bớt được khoản nuôi người giúp việc. "Nhờ được bà ngoại thì đỡ tốn gần 2 triệu cho osin, mà bà còn biết tiết kiệm điện, nước, chợ búa cho mình, chứ người giúp việc thì...", chị nói.
Thời gian gần đây, vì giá lương thực tăng cao, chị đã phải đổi ăn đồ tươi sang dùng đồ khô. "Thời buổi khó khăn, đến cả cá khô cũng tăng giá. Cứ thế này, không biết ăn gì cho rẻ", chị than. Ngoài ra, mỗi sáng chủ nhật, chị dậy sớm ra chợ đầu mối Đền Lừ mua thực phẩm dự trữ cho cả tuần, bớt được vài giá so với chợ cóc, chợ lẻ. Thỉnh thoảng chị lại phải nhờ mẹ ở quê gửi lên theo xe khách cho gạo, rau, củ... vì ở đó giá rẻ hơn", chị Giang nói.
Trên một diễn đàn dành cho cho cha mẹ online, một số chị em còn rủ nhau đặt mối mua cá biển, rau tươi từ các vùng quê cho vừa rẻ vừa đảm bảo chất lượng. "Quê chị em nào có món gì, cứ đóng gói, đồ tươi thì để trong thùng xốp, có đá, rồi gửi xe khách tới bến, các chị muốn mua lên danh sách đăng ký, tới khuân về", một thành viên diễn đàn hô hào. Tuy nhiên, sau khi tính toán kỹ, phương án này cũng không khả thi. "Giá xăng tăng, tiền vận chuyển từ 'gốc' tới cũng quá tội, có khi còn đắt hơn mua của tiểu thương gần nhà", một người kết luận.
"Từ hồi bão giá đến giờ, mình đã phải quay lại học mẹ những cách chi tiêu, rồi tiết kiệm mà cụ dùng từ thời bao cấp. Không biết phải sử dụng đến lúc nào đây", một thành viên khác chia sẻ.
Ngay cánh nam giới trẻ, vốn khá thờ ơ với giá cả, chợ búa, nay cũng bắt đầu e ngại trước chi phí sinh hoạt phi mã.
Anh Tuân, 26 tuổi, kỹ sư xây dựng ở Mai Động, cho biết, vừa mới tách nhà anh chị ra ở trọ cùng mấy người bạn, anh phát hoảng khi thấy tiền chợ hết vèo vèo. "Mình là nam giới, chưa vợ con gì mà tính toán chút ít đã thấy giật mình. Tháng nào cũng hết hơn nửa lương chỉ để bỏ vào miệng. Không co không kéo thì làm sao tích cóp được để xây nhà, lấy vợ đây. Giờ tôi và mấy cậu cùng phòng toàn mua nội tạng gà, lợn về ăn, giảm bớt khẩu phần thịt. Còn rau thì 'trường kỳ' là khoai tây và su hào gửi từ quê lên. Gạo cũng vậy. Thế cũng đỡ được khối!", anh tâm sự.
Thi Trân - Minh Thùy