Có chồng là giám đốc một công ty cơ khí tư nhân làm ăn tốt, bản thân mình thu nhập cũng khá nên Linh, 30 tuổi, nhân viên truyền thông của một công ty đầu tư giáo dục ở Hà Nội, thường chi tiêu khá thoải mái. Cô cho biết, với mức lương hơn 8 triệu đồng một tháng, cộng với tiền chồng đưa, cô thường mua sắm phóng tay. Đồ ăn cho gia đình phải lựa thứ ngon nhất, thích gì nhặt nấy, không cần quan tâm đến giá cả, quần áo, phụ kiện thì tuần nào cũng có đồ mới, và toàn hàng đắt tiền.
Thế nhưng, gần đây, mỗi lần đi chợ thấy tiền như bị đánh rơi, tiền triệu, tiền trăm đội nón đi quá nhanh vì giá tăng, Linh cũng xót ruột. Hơn nữa, thấy ông xã đứng ngồi không yên vì những hợp đồng làm ăn lỗ vốn, khi ký kết trong Tết thì giá nguyên liệu thấp, mà lúc gia công thì tiền điện, tiền khí ga, rồi sắt, thép... đều đội giá, cô cũng đâm lo.
"Thấy em tự dưng lại mang cơm trưa đi làm, rồi cả tuần không thấy bộ váy nào mới, còn kể chuyện làm sao để tiết kiệm ga, điện trong nhà, mấy chị ở cơ quan đều trố mắt ngạc nhiên. Họ bảo 'con Linh mà còn biết chùn tay, giữ ví thì đủ biết 'bão giá' mạnh thế nào'. Thực tình em cũng không thể không lo lắng được, vì tiền mình thì chỉ có một khoản cố định, còn hai đứa con nhỏ, công việc làm ăn của ông xã có trục trặc là cả nhà chết đói", Linh thổ lộ.
![]() |
Giá cả tăng khiến các bà nội trợ đau đầu khi chọn mua thực phẩm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vợ làm bên ngân hàng, chồng vốn là kỹ sư xây dựng, vừa mở được công ty riêng, đã có nhà chung cư, gia đình anh Toàn (Khu đô thị Mỹ Đình, Sông Đà, Hà Nội) cũng được liệt vào hàng khá giả. Thế nhưng, trước biến động giá cả thời gian gần đây, cả gia đình anh cũng phải thay đổi kế hoạch và cách chi tiêu. “Cuối năm ngoái mình định đầu năm nay sẽ dồn tiền tích cóp mua một chiếc bốn bánh, vừa tiện đưa vợ con đi làm, đi học, đi chơi, vừa hỗ trợ công việc làm ăn của mình. Nhưng tình hình này phải hoãn thôi”, anh Toàn kể.
Anh cho biết, thực ra, anh thừa sức mua xe hơi, nhưng thấy “nuôi” nó tốn kém quá. “Giá xăng tăng, tiền gửi xe đắt hơn, rồi nhỡ có hỏng hóc gì đi sửa cũng chết tiền. Hơn nữa, mình mới lập công ty, giá cả tăng thế này, chưa biết làm ăn có thuận không, nếu không có sẵn một khoản dự trữ thì thiếu tự tin hẳn”, anh nói.
Dự định gửi cậu con trai 3 tuổi vào học một trường mầm non quốc tế gần nhà của vợ chồng anh cũng đang được bàn lại. “Giữa thời buổi này, chỉ cần mỗi thứ đội giá một chút, cộng lại cũng ra một khoản lớn. Giờ con mà học trường quốc tế thì gần hết khoản lương của mẹ, thu nhập của bố phải gánh hết mọi thứ thì nặng quá. Có lẽ mình sẽ chọn cho con một trường khác, với mức phí thấp hơn” anh Toàn nói.
Không thuộc hàng có của ăn của để, nhưng trước đây vợ chồng chị Bích (Cầu Diễn, Hà Nội) khá yên tâm với mức thu nhập 16-17 triệu mỗi hàng của hai người. Dù phải chăm sóc thêm bố mẹ tuổi đã cao, không có khoản trợ cấp nào, và một con nhỏ học mầm non, mỗi tháng, anh chị vẫn cố gắng tiết kiệm vài triệu, phòng khi bất trắc. Thế nhưng, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, cả hai lo lắng vì thấy mức thu chỉ vừa đủ chi, không để ra được đồng nào.
“Mình lo quá, đi chợ thì đau đầu mà không biết mua gì, 150 nghìn tiền ăn mỗi ngày trước đây giờ không đủ nữa. Mà nhà mình có người già, trẻ nhỏ, tiết kiệm khoản gì, chứ không thể tiết kiệm tiền ăn, nhỡ ra có người đổ bệnh thì tiền thuốc cũng quá tội. Rồi tiền học của con ở trường cũng tăng, trong khi lương hai vợ chồng vẫn thế”, chị Bích thổ lộ.
Chị cho biết, đang nhờ mối bạn bè để nhận làm kế toán thuế cho một số doanh nghiệp nhỏ ngoài giờ hành chính, để tăng thu nhập. “Thật ra công việc hành chính của mình cũng rất mệt rồi, nhưng giờ mà không tính kế làm thêm thì gay lắm. Yên lành thì không sao, chứ nói gở, nhỡ trong nhà có ai bị bệnh thì xoay sở thế nào? Kế hoạch năm nay sinh em bé thứ hai của bọn mình có lẽ cũng phải hoãn lại”, chị Bích nói.
Thời gian gần đây, chủ đề về việc tăng giá các mặt hàng, đời sống khó khăn hơn không chỉ có mặt tại các cuộc "tám" của những người nội trợ, chị em văn phòng mà xuất hiện ngay cả trên bàn nhậu của cánh mày râu. Trên các diễn đàn mạng, những topic như "hiến kế sống sót qua bão giá", "chi tiêu thời bão giá như thế nào đây", "các cách tiết kiệm trong gia đình"... luôn được các thành viên bàn tán sôi nổi. Chị em thì mách nhau mang cơm trưa đi làm, tránh sa đà vào các siêu thị, cửa hàng thời trang, hạn chế quà vặt; còn cánh nam giới cũng về nhà ăn cơm nhiều hơn, thay vì tụ tập bia bọt, nhà hàng...
Giáo sư Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, giá hai mặt hàng thiết yếu là xăng và điện tăng, kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng lên giá, ảnh hưởng tới hầu hết mọi tầng lớp dân cư, thậm chí làm đảo lộn cả cuộc sống, sinh hoạt của một số người. Theo ông, thực ra, hai bộ phận bị cơn bão này “đánh” mạnh nhất là những công chức ăn lương nhà nước thực sự ở thành thị và các hộ nghèo ở nông thôn. Đây là những người, mà bình thường, với khoản thu nhập nhấp, đã có cuộc sống rất khó khăn. Đứng trước mức độ tăng giá cả các mặt hàng thiết yếu cao và nhanh như hiện nay, đời sống của họ càng bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhóm ít chịu tác động của bão giá hơn là các gia đình thuộc mức trung lưu và khá giả. Tuy nhiên, những người này cũng thấp thỏm lo lắng và đã bắt đầu tìm cách thắt chặt chi tiêu. Lý do là, đây là nhóm có nhu cầu tiêu dùng lớn, cũng là những người nhanh nhạy, biết tính toán nên họ luôn tìm cách chi tiêu thật hợp lý, hiệu quả. Đứng trước biến động giá cả hiện nay, họ thường phải tìm cách cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và huy động mọi khả năng, nguồn vốn để gia tăng tài sản.
Giáo sư Đào đưa ra minh chứng, bản thân ông, với mức lương chính mỗi tháng được khoảng hơn 7 triệu đồng, cộng với các khoản phụ cấp, tiền đứng lớp giảng dạy thì cũng được gần 10 triệu đồng, không phải lo con nhỏ, nhưng cũng lao đao trong cơn bão giá. Mọi sinh hoạt gia đình đều phải tính toán kỹ.
"Chẳng nói đâu xa, đợt trước, cả nhà tôi dự định tuần tới, khi 49 ngày bà bác ở quê, 4 người trong nhà sẽ thuê một chiếc xe để cùng về Quảng Bình 2-3 hôm. Thế nhưng, khi tất cả mọi thứ đều tăng giá chóng mặt thế này, chúng tôi phải bàn lại, chỉ một người đại diện về một ngày thôi, và đi tàu cho rẻ", giáo sư Đào kể.
Ông cho biết, cũng như gia đình ông, trước cơn bão giá này, không chỉ người thu nhập thấp, mà kể cả những hộ có thu nhập trung bình và cao cố định cũng phải tính kế tiết kiệm tối đa, từ cách sử dụng điện, nước, ga hằng ngày, đến hạn chế nhu cầu chi tiêu cá nhân, đồng thời cố gắng tìm cách làm thêm, tăng mức thu. "Nhà tôi trước kia có khi bóng 6W lắp ở cầu thang có thể để cả đêm thì nay chỉ lúc nào cần mới bật lên, còn đi ngủ là tắt ngay", ông Đào đưa ví dụ.
"Trong những điều kiện khó khăn thế này sẽ buộc người ta phải năng động. Và theo quy luật thị trường cũng như cuộc sống, khi khó khăn, anh nào chịu khó, năng động sẽ cải thiện được thu nhập, đứng vững. Vì thế, trước khi chờ nhà nước đưa ra những chính sách chiến lược để bình ổn giá, thì mỗi gia đình phải tự giải bài toán chi tiêu của mình cho hợp lý thôi", giáo sư Đào nói.
Minh Thùy