Cột sống (xương sống) là một phần của bộ xương trục, có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể, giữ thăng bằng và giúp con người di chuyển linh hoạt. Trong cột sống, các đốt xương và đĩa đệm tạo thành ống sống; kết hợp cùng với dây chằng bảo vệ tủy sống.
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết những bệnh lý thường gặp liên quan đến cột sống gồm thoái hoá cột sống cổ, thoái hoá cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, gù cột sống, lao cột sống...
Những chấn thương hoặc các bệnh lý cột sống gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Vì thế, cột sống cần được bảo vệ để tránh những những rủi ro, phát sinh không mong muốn. Khi cột sống có vấn đề, cơ thể sẽ bị hạn chế cử động cột sống, không còn khả năng cúi, ưỡn của thắt lưng, trường hợp nặng có thể bị liệt.
Thay đổi lối sống có thể bảo vệ cột sống
Bác sĩ Nam Anh nhấn mạnh, mọi người nên ý thức và lắng nghe cơ thể mình đang nói gì. Quan trọng nhất, hãy thay đổi lối sống và hành vi để bảo vệ "bộ khung" này bằng cách:
- Ăn uống khoa học và cân bằng: Thực đơn đủ chất, đặc biệt là canxi và vitamin D. Không sử dụng quá nhiều rượu bia, hạn chế hút thuốc lá...
- Tập luyện thể thao: Thể thao giúp nâng cao sức khỏe và độ linh hoạt của cột sống. Quan trọng là tập luyện đúng tư thế, động tác để tránh tổn thương đến cột sống, đặc biệt là đốt sống cổ, đốt sống lưng, thắt lưng. Khi bắt đầu tham gia tập luyện, hãy tham khảo ý kiến và hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ hoặc huấn luyện viên. Khi tập luyện nên có dụng cụ bảo vệ xương khớp như đai lưng, bao gối...
- Luôn giữ an toàn cho cột sống: Không chỉ luyện tập thể thao, trong công việc và lao động hàng ngày, mọi người cũng cần quan tâm bảo vệ và phòng tránh những chấn thương. Bất cứ chấn thương nào ở cột sống cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị thoái hóa trong tương lai.
- Không lao động gắng sức: Đặc biệt trong các công việc bê vác, cúi xuống nhiều tránh những sự thay đổi tư thế đột ngột hoặc liên tục... Khi lái xe luôn nhớ phải thắt dây an toàn. Trẻ nhỏ tránh mang ba lô quá nặng, ngồi sai tư thế. Với dân văn phòng, ngồi một chỗ quá lâu cũng cần đứng lên, đi lại để giải lao cho cột sống.
- Tư thế đúng trong sinh hoạt: Đây là tiêu chí rất quan trọng, bởi cách đi đứng, ngồi hay nằm đều ảnh hưởng đến sức khỏe của cột sống. Đi ngủ tránh gối đầu quá cao. Hàng ngày nên đứng và ngồi thẳng lưng, không khom lưng hoặc chùng vai.
- Khám sức khỏe định kỳ: Nhằm sớm phát hiện những bệnh lý, bất thường và xử lý đúng cách. Tầm soát và phát hiện nguy cơ sẽ giúp các bác sĩ giải quyết các vấn đề sớm và triệt để.
4 tư thế bảo vệ cột sống dành cho nhân viên văn phòng
Theo bác sĩ Nam Anh, hơn 90% nhân viên văn phòng luôn cảm thấy đau nhức cổ vai gáy, mỏi cơ sau những giờ làm việc. Nguyên nhân là chúng ta không chú trọng đến các tư thế ngồi và khoảng cách với máy tính, gây ảnh hưởng xấu đến cột sống lưng, cổ, đau nhức cơ thể. Chứng bệnh này thường sẽ xảy ra và hết trong một thời gian ngắn nên nhiều người lơ là bỏ qua. Nhưng thực chất rất dễ lặp lại nhiều lần nếu không thay đổi thói quen làm việc thường ngày.
Để hỗ trợ bảo vệ cột sống, bác sĩ Nam Anh đưa ra lời khuyên về các tư thế phù hợp với dân văn phòng.
- Tư thế lưng: Nhiều người lầm tưởng ngồi dựa lưng vào ghế sẽ tránh bị mỏi hay đau lưng, nhưng thực tế nếu tạo khoảng cách khá xa với máy tính trong thời gian làm việc kéo dài sẽ khiến mỏi mắt và đau lưng vì phải căng cơ giãn cách quá xa. Tư thế ngồi làm việc đúng là đặt mắt đúng vị trí ngang màn hình, đừng ngồi quá thấp để tránh trượt xuống thấp gây ảnh hưởng tới cột sống và lưu thông máu, ngược lại nếu ngồi cao gây uốn cong, ảnh hưởng tới cột sống.
- Tư thế tay: Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome) hay hội chứng chuột máy tính rất thường gặp ở những người làm việc với máy tính thường xuyên. Triệu chứng thường thấy là cảm giác tê mỏi, đau nhức ở hai cánh tay cũng như khớp cổ tay. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian đủ dài sẽ dẫn tới xương cổ tay của bạn bị tê cứng, đau buốt, các ngón tay bị mất cảm giác, thậm chí còn hỏng dây thần kinh cổ tay, bàn tay. Việc đặt tay khi đánh máy đúng cách, thỉnh thoảng xoa bóp massage ngón tay, cổ tay sẽ giúp giảm áp lực lên tay rất nhiều.
- Tư thế chân: Ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài sẽ khiến lượng máu khó lưu thông trong cơ thể, gây ra những tắc nghẽn và tổn thương tới những dây thần kinh và các mô. Thế nên, khi ngồi làm việc, cần đặt chân ở khoảng cách vừa phải, sao cho 2 đùi tạo thành đường thẳng song song với mặt đất giúp cho quá trình lưu thông máu được diễn ra thuận lợi và dễ dàng. Ngoài ra có thể dùng thêm vật kê chân để tạo độ thoải mái cho chân trong quá trình ngồi lâu trên ghế tránh bị mỏi.
- Tư thế cổ: Nếu có thói quen ngồi ngửa cổ trong thời gian dài, bạn sẽ có nguy cơ bị vẹo hay thoái hóa đốt sống cổ khá cao. Bên cạnh đó, dân văn phòng có xu hướng nằm gập xuống bàn để ngủ trưa cho tiện, nằm lâu sẽ khiến những đoạn cơ của bả vai, khớp tay và gáy bị kéo căng dẫn đến không thể trở lại vị trí ban đầu, gây tê mỏi và đau nhức, thậm chí không thể quay cổ hay giơ cánh tay một cách bình thường. Do đó, trong quá trình làm việc cần phải giữ cho phần đầu, vai và cổ không bị ngả nhiều về phía trước để phần cột sống của chúng ta cong một cách tự nhiên và không gây áp lực lên các khớp nối.
Cách giảm đau lưng cho người lái ôtô
Bác sĩ Nam Anh cho biết, nhóm người phải ngồi liên tục có tỷ lệ đau mỏi lưng cao hơn hẳn so với các nhóm làm việc khác. Điều này thường gặp ở những người lái ôtô thường xuyên. Nguyên nhân có thể là ghế ngồi không phù hợp, ngồi sai tư thế, thao tác công việc đơn điệu với tần suất cao, thời gian nghỉ ngơi quá ít.
Để tránh mắc phải tình trạng trên, tài xế có thể áp dụng một vài cách như:
- Điều chỉnh ghế ngồi: Nâng cao ghế ngồi sao cho người lái xe có thể quan sát đường phía trước tốt nhất. Nếu không thể nâng ghế, hãy dùng đệm lót mềm để hỗ trợ ngồi hoặc khăn lông mềm để đệm thêm ở thắt lưng. Giữ ghế ở vị trí thoải mái nhất, đừng cố gắng rướn người lên cao. Hãy để lưng ghế đỡ dọc từ xương sống lên đến vai bạn. Không ngả ghế quá nhiều về phía trước vì cổ của bạn sẽ bị mỏi, đau nhức nếu căng cơ trong thời gian dài. Ghế ngồi cũng cần được di chuyển sao cho khi bạn đạp chân ga và thắng ở tư thế dễ chịu nhất.
- Điều chỉnh gương chiếu hậu: Gương chiếu hậu nên được điều chỉnh vừa tầm mắt, tránh phải vặn mình, xoay lưng hoặc cổ để nhìn vì tài xế có tần suất theo dõi gương liên tục, cần giúp cổ thoải mái nhất, không cúi gập tránh tổn thương.
- Vị trí điều khiển vô lăng: Bạn nên lái xe với cả hai tay đặt trên vô lăng nhằm đảm bảo an toàn và không bị mỏi lưng. Bên cạnh đó, điều chỉnh tầm cao của ghế vừa với vô lăng, có thể đặt tay lên đỉnh vô lăng thoải mái nhất.
Ngoài ra, thỉnh thoảng hãy vận động nhẹ, xoay người thư giãn tại chỗ giúp lưu thông máu ở cổ vai, uống nhiều nước. Nếu được nên cố gắng nghỉ giải lao, thư giãn sau khoảng thời gian ngồi lái xe lâu.
Thảo Trang (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Tại Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, sự kết hợp giữa Nội cơ xương khớp và Ngoại cơ xương khớp - Chấn thương chỉnh hình, Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu giúp điều trị cho bệnh nhân toàn diện. Trường hợp phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc giúp làm chậm hoặc ngăn quá trình hư hại cột sống. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, hoặc phát hiện bệnh sớm nhưng điều trị sai cách, khiến bệnh tiến triển nặng cần can thiệp phẫu thuật.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Trung tâm Phẫu thuật Khớp - Y học thể thao, khoa Nội cơ xương khớp, tại Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Tâm Anh được đầu tư trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới như hệ thống máy nội soi công nghệ 3D độ phân giải cao, máy X-quang thế hệ mới... nhằm phục vụ cho việc thăm khám và điều trị hiệu quả cho người bệnh. Đặc biệt, tại đây có công nghệ phẫu thuật bằng robot hiện đại và thông minh ARTIS pheno của thương hiệu Siemens nhập khẩu đồng bộ từ Cộng hòa Liên bang Đức.
Để được tư vấn và đặt lịch khám các bệnh lý cơ xương khớp - chấn thương thể thao tại Trung tâm Phẫu thuật Khớp - Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, độc giả liên hệ:
- Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh