Chưa đầy một năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịch liệt chỉ trích lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, gọi ông là một "gã điên muốn tự tìm đường chết" và đặt biệt danh cho ông là "người tên lửa". Thế nhưng, sáng sớm 10/5, Trump mô tả ông Kim là "đối xử tuyệt vời" với ba tù nhân Mỹ mà Triều Tiên đã trả tự do. Hai tuần trước, ông còn ca ngợi lãnh đạo Triều Tiên là "rất đáng tôn trọng".
Sự thay đổi trong ngôn ngữ thể hiện bước tiến trong quan hệ Mỹ - Triều khi ông Trump và ông Kim chuẩn bị họp tại Singapore ngày 12/6. "Chúng ta đang có một khởi đầu mới", Trump nói tại căn cứ Andrews ở Maryland, nơi ông chào đón các tù nhân trở về. "Chưa bao giờ có một mối quan hệ như thế này", ông nói.
Những người chỉ trích cho rằng tuyên bố như vậy là bằng chứng cho thấy Tổng thống Mỹ đang "mắc bẫy" của ông Kim. "Chúng ta không thể ca ngợi Triều Tiên vì họ trao trả người Mỹ. Những người này lẽ ra không đáng bị giam giữ ngay từ đầu", Thượng nghị sĩ Chuck Schumer ở New York, nói. "Thật khó chịu khi nghe Tổng thống Trump nói rằng Kim Jong-un đối xử tốt với người Mỹ".
Theo NYTimes, sử dụng ngôn ngữ "đao to búa lớn" cả tích cực lẫn tiêu cực không phải là điều mới mẻ đối với Trump. Trong cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" xuất bản năm 1987, Trump cho rằng sự táo bạo rất quan trọng trong thương trường. "Mọi người muốn tin vào một điều lớn nhất, hoành tráng nhất", cuốn sách có đoạn viết. "Tôi gọi đó là 'cường điệu trung thực'".
Khi trở thành tổng thống, Trump đã sử dụng phong cách đó trong chính sách đối ngoại. "Trong ngoại giao, việc hai người vừa phút trước còn la mắng nhau, phút sau đã cùng nhau hát hò không phải là điều kỳ lạ. Tuy nhiên, điều khiến Trump đặc biệt là ông đi theo cả hai hướng này với cường độ vượt xa những người khác", Peter D. Feaver, giáo sư chính trị tại Đại học Duke University, bình luận.
"Ông ấy đưa ra những nhận xét cực kỳ tiêu cực về ông Kim nhằm khiến đối phương hoảng sợ và chịu ngồi vào bàn đàm phán. Giờ đây, ông Trump tâng bốc ông Kim lên tận mây xanh để hai bên đạt được thỏa thuận. Chưa có tổng thống nào làm vậy", Sue Mi Terry, từng là nhà phân tích của CIA, nhận xét.
Năm 2016, Trump gọi lãnh đạo Triều Tiên là "kẻ xấu" và những lời chỉ trích càng gay gắt hơn sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn đến Mỹ. "Gã này chẳng còn trò gì khác để làm à?", Trump viết trên Twitter. Vài tuần sau, ông thề sẽ trút "lửa và thịnh nộ" nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa Mỹ. Những lời đe dọa này làm căng thẳng dâng cao và gây lo ngại về nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự.
Tuy nhiên, mối quan ngại của nhiều chuyên gia giờ chuyển sang hướng khác. Họ cho rằng ông Trump có thể kỳ vọng quá cao về khả năng đạt được bước đột phá với Kim Jong-un. "Điều này mang lại cảm giác rằng ông ấy sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được thỏa thuận với ông Kim", Terry nói.
Trong khi đó, Feaver cho rằng phong cách của Trump phản ánh niềm tin của ông rằng Washington cần phá vỡ tiêu chuẩn thì mới đạt được thành công. Tổng thống cho rằng "nếu chúng ta đã thử mọi cách với Triều Tiên mà không hiệu quả thì tại sao không làm một điều gì đó khác?", Feaver nói.
"Tôi thực sự nghĩ rằng ông Kim và ông Trump nói chung một ngôn ngữ", Michael D'Antonio, người viết tiểu sử về Trump, bình luận. Ông nhận xét thêm rằng cuộc họp thượng đỉnh sắp tới sẽ là cuộc gặp của hai lãnh đạo rất quan tâm đến hình ảnh của mình, thích được tâng bốc và phản ứng kịch liệt khi bị xem thường.
"Vì vậy, chúng ta sẽ có một bản song ca ở Singapore mà có lẽ chỉ hai người đó thuộc bài hát", D'Antonio bình luận.
Phương Vũ