Biết tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho hơn 3.200 thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2, ông Đỗ Đình Đảo (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ) nói "thấy nhẹ nhõm". Ông là trưởng điểm thi THPT Lê Quý Đôn (quận 3) trong đợt 1 ngày 7-8/7, nơi có nam sinh phải đi cấp cứu giữa giờ thi Ngữ văn và được phát hiện dương tính nCoV.
"Tôi và hơn 100 đồng nghiệp ở điểm thi trải qua hai ngày căng não. Cảm giác mệt mỏi và lo lắng nhất mà chúng tôi chưa bao giờ trải qua suốt bao năm trong nghề. Thi tốt nghiệp đợt 2 vào lúc này là quá nguy hiểm", ông Đảo nói.
Có hai lý do thầy Đảo ủng hộ đề xuất của TP HCM. Thứ nhất, hơn 3.200 thí sinh TP HCM và 26.000 thí sinh cả nước chưa thi tốt nghiệp đợt 1 (do ảnh hưởng của Covid-19) là con số rất nhỏ so với gần một triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Mục tiêu tốt nghiệp của các em "gần như trong tầm tay" khi tỷ lệ hàng năm 98-99%. Việc xét tuyển vào đại học hiện cũng đơn giản khi các trường linh động nhiều phương án.
Thứ hai, dịch bệnh đang rất nguy hiểm và chưa có dấu hiệu suy giảm. Trước kỳ thi đợt 1 (TP HCM có khoảng 7.000 ca), việc tầm soát Covid-19 kỹ lưỡng nhưng vẫn có những sự cố. Giờ TP HCM có hơn 41.000 ca bệnh, để thực hiện một kỳ thi an toàn, đảm bảo cho phụ huynh và thí sinh yên tâm, là bất khả thi.
"Xét đặc cách cho những em còn lại là hợp tình, hợp lý và nhân văn. Không chỉ TP HCM mà các tỉnh khác có nguy cơ dịch bệnh cũng cần thực hiện", ông Đảo nói.
Cùng quan điểm, thầy Trần Văn Minh (Hiệu phó trường THCS - THPT Đào Duy Anh) cho rằng, TP HCM đang thực hiện giãn cách xã hội và sắp tới có thể siết chặt hơn thì việc tổ chức thi đợt 2 rất khó.
Trường Đào Duy Anh có hai em chưa thi do nhà ở trong khu phong tỏa. Em vẫn ôn tập để chuẩn bị thi đợt 2 nhưng tâm lý bị ảnh hưởng, vừa sốt ruột chờ đợi, vừa bất an bởi dịch bệnh. "Giáo viên trường tôi rất mong đề xuất của Sở được chấp thuận, để các em sớm tốt nghiệp, chuẩn bị vào đại học", ông Minh nói.
Hầu hết hiệu trưởng các trường THPT khác bày tỏ mong muốn học sinh TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam được đặc cách xét tốt nghiệp bởi lúc này sự an toàn của các em phải được đặt lên hàng đầu, không nên quyết tâm tổ chức bằng được một kỳ thi không nhiều ý nghĩa cho một nhóm nhỏ thí sinh.
"Nếu TP HCM vẫn tiếp tục thi thì lấy cơ sở nào đảm bảo toàn bộ 3.200 em đều có thể tham gia, không còn em nào thuộc trường hợp F0, F1, nhà ở bị phong tỏa? Như vậy, để đảm bảo công bằng, chẳng lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thi tiếp đợt 3, đợt 4?", lãnh đạo một trường nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho rằng thành phố cần sớm đặc cách tốt nghiệp cho những thí sinh dự kiến thi đợt 2, giúp các em yên tâm lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai.
Nhắc lại kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 trên cả nước nói chung và TP HCM nói riêng, ông Ngai đánh giá ở mức độ "chấp nhận được". Tuy nhiên, qua những sự cố dịch bệnh, ông nói đã đến lúc phải tính đến việc giao kỳ thi về địa phương. Việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp với quy mô cả nước hiện nay rất nguy hiểm trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, chưa có hồi kết. Chưa kể, việc này rất tốn kém và không nhiều ý nghĩa, khi tỷ lệ tốt nghiệp đều gần tuyệt đối.
"Nên chăng để tỉnh nào thi tỉnh đó để chủ động trước dịch. Thời gian đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tập huấn hoặc hỗ trợ địa phương ra đề. Thi xong thì có kiểm tra, kiểm định chất lượng. Tôi tin nhiều địa phương, nhất là TP HCM đủ sức làm việc này", ông Ngai nói.
Về lâu dài, ông Ngai đề nghị sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ điều khoản "học sinh học hết chương trình THPT phải dự thi, đạt yêu cầu mới được cấp bằng tốt nghiệp" mà chuyển sang xét tốt nghiệp. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tự chủ theo cách riêng, tùy điều kiện và yêu cầu đầu vào.
Ngày 21/7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khó có thể thực hiện kỳ thi đợt 2 với yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nghiêm túc, khách quan, công bằng và tạo sự an tâm cho phụ huynh, thí sinh. Vì thế, Sở đề nghị UBND TP HCM xem xét, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét đặc cách cho thí sinh. Việc này căn cứ Quy chế thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi đợt 2 có thể được đặc cách theo điều kiện "có việc đột xuất đặc biệt".
Ba ngày trươc, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho hay Bộ đã họp với 42 tỉnh, thành, thống nhất tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào ngày 6-7/8. Những nơi không thể tổ chức thi với lý do bất khả kháng có thể đề xuất để Bộ có phương án hỗ trợ, như xét tốt nghiệp đặc cách cho thí sinh hay cho phép tổ chức thi đợt 3.
"Tuy nhiên, trong điều kiện dịch phức tạp, việc tổ chức thi đợt 3 cũng rất khó khăn. Bộ cân nhắc xét tốt nghiệp đặc cách cho thí sinh và có phương thức hỗ trợ các em trong tuyển sinh đại học", Thứ trưởng Độ nói.
Ngày 6-7/7, gần 86.000 thí sinh TP HCM đã dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 (đạt trên 96% thí sinh đăng ký). Ba thí sinh diện F0 được phát hiện khi thi tại trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú), THPT Lê Quý Đôn (quận 3) và THCS Lý Phong (quận 5); gần 100 thí sinh, giám thị liên phải cách ly tập trung.
Cùng với 18 tỉnh thành phía Nam, TP HCM đang cách ly xã hội.