Thông tin được ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT) cho biết tại buổi họp báo của UBND TP HCM, tối 8/7.
"Với vai trò là người tổ chức, tham mưu, tôi là người có trách nhiệm rất lớn. Các vấn đề đảm bảo sức khoẻ cho thí sinh, chúng tôi đã bàn với Sở Y tế, đã thực hiện các biện pháp an toàn. Tuy nhiên, từ quá trình xét nghiệm ngày 3/7 đến ngày thi (7/7) đã xuất hiện các ca F0, làm ảnh hưởng tới thí sinh", ông Hiếu nói.
Ca F0 tại điểm trường THCS Đặng Trần Côn đến làm thủ tục vào chiều 6/7, sáng 7/7 không đến thi. Điểm thi này đã tìm những em tiếp xúc gần với thí sinh trong buổi làm thủ tục để xếp phòng thi riêng, theo dõi sức khỏe.
Tại điểm thi THCS Lý Phong, thí sinh xét nghiệm ngày 3/7 với mẫu gộp là dương tính. Hai hôm sau, em này được xét nghiệm lại, kết quả là âm tính nên tham gia làm thủ tục, dự thi sáng 7/7. Thi xong, quận 5 báo kết quả xét nghiệm ngày 7/7 là dương tính. Thí sinh đã hoãn thi, điểm thi tách đôi phòng thi có liên quan và tổ chức khử khuẩn toàn bộ điểm thi.
Tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn, nam sinh ngất xỉu giữa lúc thi môn Văn, test nhanh ra kết quả dương tính. 23 thí sinh cùng phòng với em này phải cách ly tập trung ở một khách sạn gần trường, được chia đôi phòng thi với sự giám sát y tế đặc biệt, hoàn thành nốt các môn thi hôm nay.
Ngoài ra, còn có 7 ca F1 liên quan đến kỳ thi. Các em này âm tính trong đợt xét nghiệm ngày 3/7, nhưng phụ huynh lại dương tính khi xét nghiệm cộng đồng vài hôm sau, nên không biết mình là F1, đã đến điểm thi.
Đối với các phòng thi có trường hợp nghi F0, điểm thi tách thí sinh làm đôi và cho các em làm bài ở phòng dự phòng; tăng giãn cách và thực hiện các biện pháp an toàn theo hướng dẫn. Các điểm thi được khử khuẩn sau mỗi buổi thi.
Với những thí sinh liên quan đến các trường hợp nghi nhiễm, giáo viên động viên để các em tự tin, hoàn thành nốt kỳ thi.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh trước kỳ thi cho thấy "quan điểm của thí sinh mâu thuẫn với phụ huynh". Cụ thể, hơn 29% yên tâm và đồng ý cho con thi đợt 1; hơn 33% không yên tâm nhưng vẫn đồng ý, còn lại hơn 36% không yên tâm và không đồng ý. "Dù phụ huynh lo lắng nhưng sự mong muốn thi của các em rất lớn. Bởi phải chờ thi đợt 2 sẽ rất căng thẳng, quá trình ôn tập sẽ nặng nề", ông Hiếu nêu quan điểm.
Sau khi được tham mưu, UBND TP HCM ra quyết định thi 2 đợt. Số lượng làm thủ tục đăng ký dự thi là hơn 95%. "Con số này chứng tỏ nguyện vọng của các em tham gia thi rất lớn. Sở tham mưu cho thành phố cũng chủ yếu dựa vào mong muốn của học sinh", ông Hiếu nói.
Bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc HCDC, cho biết các thí sinh F0 đã được điều trị. Các trường hợp F1 (chủ yếu là thí sinh tại phòng thi chung với F0 tại THCS Lý Phong, THCS Đặng Trần Côn và THPT Lê Quý Đôn) sẽ được cách ly tập trung. "Với các thí sinh còn lại, các em nên ở nhà theo dõi sức khoẻ, tuân thủ 5K, không tụ tập đông người theo quy định phòng chống dịch", ông Tâm khuyến cáo.
Trước đó, xét nghiệm tầm soát Covid-19 để chuẩn bị cho kỳ thi, trong số 85.000 thí sinh và 20.000 nhân sự phục vụ thi, phát hiện 23 thí sinh và 4 cán bộ, giáo viên dương tính với nCoV.
Năm nay, thành phố có 89.200 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó 86.934 em làm thủ tục (tỷ lệ trên 97%); hơn 2.300 thí sinh vắng thi. Tuỳ môn, tỷ lệ dự thi dao động 94-98%.
Thành phố đã huy động hơn 17.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi, không ai vi phạm quy chế trong 2 ngày vừa qua. Về thí sinh, 3 em vi phạm.
Việc chấm thi sẽ diễn từ ngày 9 đến ngày 28/7. Tổng cộng có hơn 1.700 cán bộ làm phách, chấm thi, lên điểm, công an bảo vệ an ninh... sẽ được xét nghiệm Covid-19, giãn cách theo quy định khi làm việc.
Buổi họp báo do Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chủ trì còn đề cập đến các vấn đề người dân quan tâm khi giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, bắt đầu từ 0h ngày mai.