Trường học ở Lạng Sơn sử dụng cửa nhựa. (Tiền Phong) |
Thực hiện yêu cầu kiên cố hóa trường học bằng nguồn công trái giáo dục phát hành từ năm 2003, đến cuối năm 2005, đã có gần 52.000 phòng học được xây dựng mới (đạt tỷ lệ 87% tổng số phòng học cần kiên cố hóa). Hầu hết trong số này đã được đưa vào sử dụng. Nhưng vừa qua, chỉ mới thanh tra 541 công trình trường học đã được xây dựng (có tổng vốn trên 1.321 tỷ đồng), đã phát hiện ra các tiêu cực, sai phạm lên đến gần 22,2 tỷ đồng.
Trường hư, bàn ghế hỏng
Tại Đồng Tháp, Công ty Trang trí nội thất Thương mại và Dịch vụ Yến Hoa cung cấp bàn ghế cho Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, thì sau một thời gian, số ghế đã hỏng gần 60%, bàn bị hỏng 23,3% nhưng chưa thấy khắc phục hậu quả.
Cũng theo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, hiện tượng tường nứt toác, nền bị lún diễn ra ở nhiều công trình trường học của tỉnh Phú Yên, dù công trình đang trong thời gian bảo hành. Chẳng hạn Trường THCS Nguyễn Hoa, An Lĩnh, Tuy An, Trường tiểu học xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Trường mẫu giáo thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh...
Ở tỉnh Bình Thuận có những ngôi trường được xây lên nhưng lại bỏ phí. Trường phổ thông cấp II, cấp III của huyện đảo Phú Quý có diện tích trên 24.000 m2 trong khi dân số cả huyện chỉ có 22.000 người. Năm học 2003-2004, chỉ có 7 lớp học với 270 em học sinh và sử dụng 8/14 phòng học của trường, các phòng thực hành, thí nghiệm cũng chỉ sử dụng 7/25 phòng.
Giao thông, thủy lợi: Đều có sai phạm
Dự án “Giao thông nông thôn” (tổng vốn đầu tư 145,3 triệu USD) do Ngân hàng Thế giới cho vay vốn ODA và Chính phủ Anh viện trợ không hoàn lại. Thanh tra 700 dự án, hạng mục, công trình của dự án này (số vốn 523 tỷ đồng), cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều sai phạm, với tổng giá trị trên 13,4 tỷ đồng.
Tại Ninh Thuận, một đoạn đường dài 2,65 km trên tuyến đường quốc lộ 1A - Phước Chiến sau 18 tháng hoàn thành nhưng không thể sử dụng được vì bị ngập hoàn toàn trong lòng hồ.
Chương trình kiên cố hóa kênh mương ngốn không ít kinh phí của nhà nước với số vốn đã đầu tư gần 9.000 tỷ đồng (đầu tư cho 28.308 km). Qua thanh tra 901 hạng mục, dự án thì có tới 425 dự án có sai phạm về kinh tế với tổng giá trị sai phạm lên tới gần 28 tỷ đồng…
Các sai phạm chủ yếu vẫn là, thi công sai khối lượng, nghiệm thu, quyết toán không đúng thực tế (khống)... Có nhiều công trình thi công chất lượng quá kém phải đập đi, làm lại. Và không ít công trình xây xong rồi bỏ đó, không hề sử dụng lấy một ngày. Chẳng hạn, tại Lạng Sơn, qua thanh tra 11 công trình, dự án, người ta phát hiện sai phạm gần 1,5 tỷ đồng chủ yếu do thi công thiếu khối lượng, quyết toán sai...
Mức độ sai phạm tại tỉnh Bắc Kạn cũng khá nặng nề, chỉ thanh tra 15 công trình, dự án với tổng mức đầu tư 31,8 tỷ đồng, cơ quan chức năng đã phát hiện số tiền sai phạm lên tới gần 3,7 tỷ đồng (trên 10%).
Mấy năm nay Quốc hội, Chính phủ luôn đặt yêu cầu chống tiêu cực, thất thoát... như một trong những mối quan tâm hàng đầu của các ngành, các cấp. Nhưng thực tế cho thấy, yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện tốt. Đáng lưu ý là một phần khá lớn trong nguồn vốn cho các chương trình trên là đi vay, dù là vốn vay ưu đãi thì cũng phải trả nợ. Bên cạnh đó là hình thức vay của dân qua phát hành công trái. Hậu quả để lại của tình trạng lãng phí, tiêu cực lại càng làm trĩu nặng thêm khối nợ mà các thế hệ sau phải trả.
(Theo Tiền Phong)