Trong buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Nghịch lý cung - cầu thị trường lao động" ngày 8/1 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cục trưởng Việc làm Bộ Lao động - Nguyễn Thị Hải Vân, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đã tăng từ 1,96% năm 2002 lên 2,2% năm 2013.
Con số này tuy thấp hơn mức trung bình 5,9% của thế giới nhưng theo bà Hải Vân, điều đó chưa hẳn là tín hiệu mừng. "Tỷ lệ thất nghiệp thấp là do Việt Nam đang dùng khái niệm việc làm theo Tổ chức Lao động quốc tế. Tất cả những người trong vòng 7 ngày trước khi điều tra mà có làm việc một giờ đồng hồ cũng không được tính", đại diện cơ quan quản lý giải thích.
Còn theo Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nam Định - Đỗ Thanh Sơn, bất cập lớn nhất về thị trường lao động hiện nay là tình trạng lao động phổ thông tìm việc dễ dàng, trong khi người đã qua đào tạo lại gặp khó. Nghịch lý trên xuất phát từ nền sản xuất chủ yếu là gia công, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông để trả mức lương thấp.
"Nam Định có ngành dệt may rất phát triển, cần nhiều lao động. Thực tế ở tỉnh chúng tôi, lao động có trình độ đang thất nghiệp nhiều, còn người làm các công việc phổ thông thì thiếu", ông nói.
Trong buổi tọa đàm, người dân có nêu thực trạng gần Tết nguyên đán, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động để né tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục việc làm cho rằng việc sa thải là bất đắc dĩ, và thường rơi vào những đơn vị nhỏ, khó khăn.
"Nói doanh nghiệp cố tình sa thải, kết thúc hợp đồng với người lao động vào giáp Tết để tránh tiền thưởng là không thỏa đáng, vì luật lao động không quy định phải trả tiền thưởng Tết. Đó là việc riêng của từng doanh nghiệp", bà Vân nhận định.
Hoàng Thùy