Tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2013 vừa được Ủy ban Kinh tế quốc hội công bố, tác giả Nguyễn Thắng – Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học Xã hội đã đưa ra nhiều dự báo về triển vọng thị trường lao động trong trong giai đoạn 2013-2015. Theo đó, lực lượng lao động (hay còn gọi là nhu cầu tạo việc làm) sẽ tăng khoảng 1,9% trong năm 2013, 1,6% năm 2014 và 1,5% năm 2015.
Như vậy tốc độ tăng trung bình cho cả giai đoạn 3 năm 2013-2015 là 1,7%, thấp hơn đáng kể so với mức 2,2% của 3 năm 2010-2012. Điều này cho thấy sự sức ép về việc làm sẽ giảm khá rõ nét.
Ông Thắng cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp giai đoạn 2013-2015 có thể diễn biến tương đồng với giai đoạn 2010-2012. Theo đó, trong ba năm tỷ lệ này sẽ giảm dần ở mức 3,85%, 3,51% và 3,2%. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, với một lượng lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức nên khi kinh tế suy giảm, nhiều người tuy không mất việc (do quay lại làm nông nghiệp hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức), song thu nhập và điều kiện làm việc bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ngoài ra, do sự thiếu vắng số liệu về thu nhập của những người không phải làm công ăn lương chiếm gần hai phần ba tổng số lao động đang làm việc nên không thể dự báo được những thay đổi về thu nhập. Trong khi đó, đây là một chỉ số quan trọng bậc nhất phản ánh chất lượng của việc làm.
Trước đó, trong tham luận tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu” được tổ chức hồi cuối tháng 9, tác giả Nguyễn Thắng cũng nhấn mạnh một thực trạng là các số liệu điều tra hiện nay không cung cấp thông tin về thu nhập của những lao động tự làm, không thuộc hình thức làm công ăn lương. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia không thể biết được mức độ suy giảm của thu nhập của toàn bộ lao động trong giai đoạn tăng trưởng suy giảm, nhất là trong 2 năm 2011 và 2012. “Khoảng trống số liệu này cần được khắc phục để có được những phân tích có chất lượng cao hơn về thị trường lao động, việc làm”, ông Thắng nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia thuộc Ủy ban Kinh tế cho rằng, với tốc độ tăng cung chậm lại đáng kể so với những năm trước nên thu nhập của người lao động trong giai đoạn 2013-2015 dự báo sẽ được cải thiện so với 2010-2012.
Về tỷ lệ thất nghiệp, báo cáo cũng cho rằng, chỉ số này hiện không có nhiều ý nghĩa với Việt Nam - trong một nền kinh tế có việc làm nông nghiệp và phi chính thức chi phối, chiếm tới trên ba phần tư tổng số việc làm. Một lao động mất việc trong khu vực chính thức sẽ buộc phải nhanh chóng tìm việc làm trong nông nghiệp hoặc trong khu vực phi chính thức để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, những số liệu hiện nay không phản ánh hết những chuyển biến trên thị trường lao động. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao trong năm 2 năm gần đây, kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hoặc cắt giảm nhân lực nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Nhận định về lộ trình tăng lương, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, cần thận trọng trong việc thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp. “Nền kinh tế khó khăn, thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu tuy giúp một nhóm lao động thuộc khu vực chính thức cải thiện được thu nhập nhưng có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp này phải sa thải nhiều người, hay ít nhất là hạn chế tuyển dụng lao động mới”, báo cáo nhận định.
Nói cách khác, việc thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu trong bối cảnh tăng trưởng còn khó khăn có thể làm đảo ngược quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang phí chính thức.
Ngọc Tuyên