Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, hiện tại nhà băng vẫn mua USD. Ở các chi nhánh, đối với những giao dịch lớn trên 10.000 USD, phòng giao dịch phải xin ý kiến từ Hội sở.
Người đại diện này giải thích, tình hình hiện nay nếu mua USD vào nhiều, nhà băng sẽ bị lỗ vì không bán ra được. Bởi USD mất giá so với trước, không biết khi nào mới phục hồi. Hơn nữa ngân hàng đang khan tiền đồng, do vậy chỉ có thể mua đồng đôla ở một chừng mực.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Nam Á. Ảnh: B.H. |
Bà Nguyễn Thị Mười, Phó tổng giám đốc ngân hàng Sài Gòn Công thương, cho biết, ở nhà băng này, chỉ tiêu mua USD trong ngày sẽ tùy theo mức cân đối tài chính ngân hàng. Mỗi ngày ngân hàng sẽ ước đoán khả năng thanh toán bằng đồng USD qua các giao dịch là bao nhiêu, căn cứ vào đó để đưa ra mức mua đô trong ngày.
Vị đại diện cấp cao của ngân hàng Sài Gòn Công thương còn nhấn mạnh, nếu các nhà băng dự trữ USD lớn hơn 30% vốn tự có thì sẽ bị Ngân hàng Nhà nước phạt.
Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc Vũ Tiến Khu cho biết, nhà băng này hiện chỉ mua USD đối với những khách hàng lớn có mở LC tại ngân hàng, mục đích duy trì quan hệ hợp tác lâu dài. Các khách hàng này sẽ không chịu sự hạn chế nào, có bao nhiêu USD thông qua các giao dịch xuất khẩu đã ký với đối tác nước ngoài, ngân hàng sẽ mua hết.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam không mua USD của các cá nhân.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước cũng chịu những tác động khác nhau từ chính sách hạn chế mua USD của ngân hàng.
Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Cafatex) Nguyễn Văn Kịch khá bức xúc vì việc nhà băng hạn chế mua USD đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Cafatex. Ngân hàng mua USD thấp, thị trường liên ngân hàng đổi được 15.800 đồng một đô, nhưng các nhà băng khác chỉ thu vào mức 15.500 đồng. Ông Kịch nói: "Cộng với chi phí chuyển đổi 2% thì rõ ràng doanh thu mang lại đã "không còn như ý muốn"".
Ông Kịch dự báo, trong thời gian không xa, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ giảm do ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách hạn chế mua USD của ngân hàng. Kéo theo đó, phạm vi thị trường của những công ty xuất khẩu sẽ bị thu hẹp lại.
Ngoài ra, việc siết chặt tín dụng của ngân hàng thời gian qua cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành thủy hải sản. Ông Kịch đồng ý việc chống lạm phát hiện nay phải ưu tiên hàng đầu, nhưng theo ông các doanh nghiệp không gây ra tình trạng lạm phát đó. Chống lạm phát bằng cách siết tín dụng như hiện nay cũng đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.
Trong khi đó các doanh nghiệp nhập khẩu đang được lợi.
Ông Lê Văn Trí, Phó giám đốc Công ty Casumina cho biết, hiện doanh nghiệp này nhập khẩu nhiều hơn xuất. Khi thanh toán cho đối tác nước ngoài, ngân hàng thu phí đổi qua tiền USD, điều này có nghĩa là giao dịch của công ty với ngân hàng nghiêng về mua USD hơn là bán, góp phần giải phóng bớt lượng USD đang tồn đọng ở ngân hàng. Do vậy, hiện tại công ty Casumina không bị ảnh hưởng từ chính sách hạn chế mua đồng USD của ngân hàng.
Tuy nhiên trước áp lực đồng USD giảm giá, ông Trí cho biết vào ngày 1/4 sẽ điều chỉnh giá bán sản phẩm trên thị trường để hoạt động xuất khẩu kéo lợi nhuận lại.
Ông Lê Viết Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty sữa Hancofood giải thích thêm, hiện tại 1 USD đã giảm 200 đồng so với trước đây. Điều này có nghĩa là nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp đã giảm xuống.
"Đây là một thuận lợi lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu trong bối cảnh các mặt hàng khác tăng trong cơn bão giá", ông Hà khẳng định.
Bạch Hường