Giao dịch tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn tại các ngân hàng. |
Dự thảo nghị định nêu rõ, các tổ chức có tài khoản khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với nhau phải thanh toán bằng các phương thức không dùng tiền mặt. Những khoản chi nhỏ có thể được thanh toán bằng tiền mặt theo mức tối đa 5 triệu đồng (đối với các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước) hoặc 10 triệu đồng (đối với các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước). Nhà nước sẽ khuyến khích các cá nhân mở tài khoản tiền gửi để thanh toán bằng các phương tiện khác ngoài tiền mặt.
Ngày mai (31/8), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia về dự thảo nghị định này. Theo Ban Tổ chức, việc quản lý tiền mặt trong thanh toán là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế xã hội, vì vậy rất cần có ý kiến rộng rãi để tạo ra một cơ chế quản lý thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam và có tính khả thi cao. |
Trao đổi với VnExpress, đại diện một số ngân hàng tỏ ra ủng hộ mục tiêu hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong dự thảo nghị định, nhất là khi thanh toán bằng tiền mặt đang chiếm một tỷ lệ lớn trong hoạt động giao dịch. Theo Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Đức Vinh, quy định hạn mức sẽ giúp giảm được giao dịch tiền mặt, đồng thời mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng. Ông cho biết, dù đa số doanh nghiệp khách hàng của Techcombank đã chuyển sang giao dịch thông qua tài khoản, mỗi ngày lượng tiền mặt rút ra và nộp vào ngân hàng cũng lên tới vài chục tỷ đồng.
Cùng chung quan điểm với ông Vinh, song Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình lại cho rằng rất khó kiểm soát các hoạt động thanh toán bằng tiền mặt. Bởi trên thực tế, khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng có thể rút ra và sử dụng theo mục đích của họ. "Những giao dịch về đất đai có giá trị rất lớn, nếu thanh toán qua ngân hàng thì tốt quá. Nhưng phần lớn các giao dịch đó đều thực hiện bên ngoài ngân hàng và rất khó kiểm soát", ông Bình nói.
Ngay cả với quy định về hạn mức thanh toán tiền mặt, cũng không được nhiều người ủng hộ. Theo các chuyên gia, quy định quản lý thanh toán tiền mặt chủ yếu chỉ hạn chế được giao dịch của khối doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng. "Mà với doanh nghiệp, hạn mức 5 hoặc 10 triệu đồng quá thấp. Cần phải có quy định phù hợp với từng loại hình hoạt động cụ thể", một chuyên gia tiền tệ nói.
Tồn quỹ tiền mặt định mức là mức tiền mặt tối đa mà các tổ chức có tài khoản được phép giữ lại tại tổ chức mình qua đêm, bảo đảm cho các tổ chức có tài khoản chủ động chi tiêu ngay trong ngày hoặc một số ngày làm việc tiếp theo trước khi có nguồn thu tiền mặt mới hoặc rút tiền mặt từ các tổ chức giữ tài khoản về. |
Dự thảo cũng yêu cầu các tổ chức có tài khoản chỉ được để tiền mặt tồn quỹ theo mức quy định nhằm chủ động chi tiêu trong phạm vi được phép sử dụng tiền mặt của tổ chức đó. Kho bạc Nhà nước sẽ quy định mức tồn quỹ tiền mặt cho các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. Tại các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, chủ tài khoản phải quy định mức tồn quỹ tiền mặt cho tổ chức mình và theo dõi thực hiện hằng ngày theo chế độ kế toàn - tài chính. Các vi phạm về tồn quỹ tiền mặt định mức cũng như hạn mức thanh toán bằng tiền mặt sẽ bị phạt tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, hoặc sẽ bị các cơ quan chức năng lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Song Linh