Với phán quyết khôi phục visa, cho phép Novak Djokovic có thể được tự do thi đấu ở Australian Open, thẩm phán Tòa Liên bang Anthony Kelly đã bác bỏ quan điểm của chính phủ Australia rằng tay vợt số một thế giới nên bị cấm dự giải vì không tiêm vaccine Covid-19.
Trong vài ngày qua, một nhóm nhỏ những người bài vaccine của Australia coi Djokovic như anh hùng, người đã chống lại chính quyền và giành chiến thắng. Những người khác, đặc biệt là cộng đồng người Serbia ở Australia, xem anh như một nạn nhân bị đàn áp bất công.
Đêm 10/11, những người ủng hộ kéo tới chật cứng các con phố bên ngoài văn phòng luật sư của Djokovic ở Melbourne, reo hò và hô vang khẩu hiệu "Novak tự do".
Nhưng đối với nhiều người dân Australia, vấn đề không nằm ở giấy tờ của Djokovic, mà là câu hỏi liệu tay vợt này có đang coi mình đứng trên các quy tắc chống dịch của đất nước hay không, vào thời điểm số ca Covid-19 đang tăng vọt. Các luật sư của Djokovic lập luận rằng anh đã làm mọi việc trong khả năng để đáp ứng yêu cầu miễn trừ tiêm vaccine của chính phủ Australia.
Tổng số ca nhiễm nCoV của Australia hiện ở mức gần một triệu, ít hơn nhiều so với các quốc gia đang là điểm nóng Covid-19 khác. Bề ngoài, con số này có thể cho thấy việc Djokovic chưa tiêm phòng không gây ra nguy cơ y tế nghiêm trọng nào cho Australia, như chính phủ nước này tuyên bố. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy dường như các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Australia đã kết thúc.
Tuy nhiên, đối với hàng triệu người dân Australia, ký ức về những biện pháp hạn chế chống dịch không khoan nhượng trong thời gian dài vẫn còn nguyên vẹn.
Theo giới phân tích, Djokovic mang giấy miễn trừ tiêm chủng tới Australia chỉ vài tháng trước khi nước này tổ chức cuộc bầu cử liên bang. Động thái này có thể khiến đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Scott Morrison lo ngại sẽ đi ngược lại thông điệp của họ rằng tiêm chủng là cách duy nhất giúp thoát khỏi đại dịch và nỗi đau trong hai năm qua mà hàng chục triệu người Australia phải chịu đựng để giữ cho số ca Covid-19 ở mức thấp là đáng giá.
Australia là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách "Không Covid" khi đóng cửa biên giới quốc tế hồi tháng 3/2020. Động thái này đã giúp Australia giữ số ca tử vong vì Covid-19 ở mức thấp, nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân, cả ở trong và ngoài nước.
Không chỉ biên giới quốc gia bị đóng mà ranh giới giữa các bang cũng liên tục bị đóng lại rồi mở ra, ngăn các gia đình gặp người thân và khiến một số người khi trở về nơi mình sinh sống phải tự chi tiền túi để cách ly tại khách sạn.
Nhưng các biện pháp hạn chế đó là không đủ. Các đợt bùng phát dịch vẫn xảy ra, khiến Melbourne và Sydney bị phong tỏa suốt nhiều tháng. Đến cuối năm ngoái, chính phủ Australia thừa nhận Covid-19 không thể bị xóa sổ.
Thay đổi thông điệp từ ngăn chặn virus sang học cách sống chung với nó là một bài toán khó đối với giới chức. Chính phủ Australia còn nới lỏng các biện pháp kiểm soát đúng vào lúc biến chủng Omicron xuất hiện, làm số ca nhiễm tăng vọt, đi kèm hàng loạt vấn đề mới phát sinh.
Người dân đổ xô đi xét nghiệm PCR khiến cung không đủ cầu và kết quả cũng bị trả chậm đáng kể. Kit xét nghiệm nhanh thường xuyên rơi vào tình trạng khan hàng. Bộ trưởng Y tế Greg Hunt hôm 9/1 cam kết hàng triệu kit xét nghiệm sẽ được cung cấp cho người dân. Trong lúc chờ đợi, nhiều người phải ở nhà theo dõi triệu chứng theo khuyến cáo.
Chính phủ Australia tuyên bố rằng vaccine chính là con đường thoát khỏi đại dịch. Sau những chậm trễ ban đầu, quốc gia này hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới với 92% người đủ điều kiện trên 16 tuổi được tiêm đầy đủ.
Australia hiện không còn áp dụng chiến lược phong tỏa, nhưng khi số ca nhiễm tăng, một số người chọn cách tự cách ly ở nhà để tránh nhiễm virus. Nhiều kệ hàng siêu thị trống rỗng vì làn sóng mua tích trữ, chuỗi cung ứng bên bờ sụp đổ vì lao động nghỉ ốm hoặc phải cách ly. Nhân viên y tế không ngừng than phiền rằng họ đang kiệt sức dù giới chức đảm bảo hệ thống y tế vẫn ổn.
Trong bối cảnh đó, khi để thua Djokovic trên mặt trận pháp lý, chính phủ Australia đã vô tình biến một trong những người không ủng hộ vaccine nổi tiếng nhất thế giới thành nạn nhân, trong khi các quan chức của họ giống như kẻ bắt nạt đang sử dụng quyền lực hành pháp để phục vụ mục đích chính trị.
Lùm xùm liên quan đến Djokovic còn khiến dư luận chú ý đến một vấn đề khác vốn đã bị ngó lơ: Cách Australia đối xử với người tị nạn.
Trong một thời gian ngắn, thế giới dồn mọi tập trung vào khách sạn Park ở Melbourne, nơi có khoảng 30 người đang chờ xin tị nạn vào Australia trong mòn mỏi.
Họ bị điều chỉnh bởi cùng một Đạo luật Di trú được áp dụng với Djokovic. Cũng chính tòa án giải quyết vụ kiện của Djokovic đã nghe những lập luận họ đưa ra suốt nhiều năm qua. Và chính Bộ trưởng Di trú Australia, người được cho là đang cân nhắc hủy visa Djokovic một lần nữa, nắm quyền lực có thể giải thoát cho họ.
Không ít người đang đặt câu hỏi tại sao những ngôi sao thể thao như Djokovic lại được hưởng đặc quyền đi khắp thế giới, trong khi những người dân bình thường khác không thể băng qua dù chỉ là ranh giới bang để gặp người thân. Và nay, họ thậm chí còn không thể xét nghiệm nCoV.
Theo bình luận viên Michelle Grattan của The Conversation, một trong những nguyên tắc quan trọng trong chính trị là "biết điểm dừng", nhưng trong cuộc chiến với Djokovic, có vẻ như chính phủ của Thủ tướng Morrison chưa nắm được nguyên tắc này.
Sau phán quyết của tòa, chính phủ Australia đứng trước hai lựa chọn khó khăn, hoặc chấp nhận thất bại ê chề của mình, hoặc tìm cách "chiến đến cùng" với Djokovic. Họ nắm trong tay một lá bài quyết định, đó là quyền lực cá nhân của Bộ trưởng Nội vụ Alex Hawke, người có toàn quyền hủy visa của Djokovic một lần nữa.
Nhưng Grattan cho rằng để không hứng thêm thất bại, chính phủ của Thủ tướng Morrison nên "cắt lỗ ngay lập tức", như những gì Chủ tịch quốc hội Serbia Ivica Dacic nói rằng "mọi thứ đáng lẽ phải chấm dứt sau khi tòa ra phán quyết".
Khi chính phủ Australia tổ chức cuộc bầu cử liên bang, dự kiến diễn ra vào tháng 5, họ có thể phải hy vọng rằng cử tri đã quên đi một thất bại đầy cay đắng trước tòa án, cũng như án phí mà họ phải trả trong vụ kiện của một trong những vận động viên thành công nhất thế giới, bình luận viên Hilary Whiteman của CNN viết.
Vũ Hoàng (Theo CNN)