Sáng 24/3, tại hội thảo "Mô hình, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển Khu công nghệ cao của Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP HCM, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cho biết Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định 99 quy định về khu công nghệ cao để sớm xin ý kiến thành viên Chính phủ.
Dự thảo tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền, vấn đề ủy quyền, tiêu chí thu hút doanh nghiệp... Các điều chỉnh này nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy xây dựng phát triển các khu công nghệ cao trong bối cảnh nhiều luật thay đổi từ lúc Luật Công nghệ cao ra đời năm 2008.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, thực tế việc quản lý nhà nước tại khu công nghệ cao rất rộng, phạm vi điều chỉnh nhiều luật khác nhau nên còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết trong một Nghị định.
Bộ trưởng Đạt nhắc lại lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, về những vấn đề mới, chưa có quy định hoặc đã vượt qua thực tiễn, cần mạnh dạn điều chỉnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn. Trên tinh thần này, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Thủ tướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, khu công nghệ cao thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển các khu công nghệ cao. Theo đó, các doanh nghiệp được đầu tư hệ thống hạ tầng và quản lý điều hành hoạt động các khu công nghệ cao.
Ông nhìn nhận, để hình thành hệ sinh thái khu công nghệ cao cần ba cấu phần quan trọng gồm phòng thí nghiệm, doanh nghiệp, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) từng đề cập vướng mắc về cơ chế một cửa. Ông cho biết, trước đây các thủ tục pháp lý để một doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao đều thực hiện tại một đơn vị đầu mối là Ban quản lý. Tuy nhiên, khi các luật chuyên ngành thay đổi, doanh nghiệp phải làm các thủ tục cấp phép ở nhiều sở ngành như quy hoạch, xây dựng, môi trường... khiến thời gian dự án hoàn thiện thủ tục và đi vào hoạt động rất lâu.
"Cơ chế một cửa đóng vai trong rất quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Do vậy cần sửa đổi quy định để các thủ tục được thu gọn về một đầu mối, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Thi nói.
Một vướng mắc khác được nêu ra về cơ chế phân cấp, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, về chủ trương thành lập các khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính còn lại cần giao về cho các địa phương để việc xử lý nhanh hơn. "Những vướng mắc này sẽ được chúng tôi nghiên cứu sửa đổi luật công nghệ cao trong thời gian tới", ông Dương nói.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng, để tạo cơ chế hoạt động cho các khu công nghệ cao cần sửa đổi nhiều luật và trong nhiệm kỳ đến 2025 khó có thể hoàn thành. Lãnh đạo TP HCM đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thử nghiệm về chính sách phát triển khu công nghệ cao sớm nhất và ban hành Nghị quyết về việc này.
"TP HCM trong thẩm quyền, trách nhiệm của mình sẽ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ các địa phương chia sẻ trong đề xuất chính sách cho khu công nghệ cao", ông Mãi nói.
Việt Nam hiện có 4 khu công nghệ cao gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao TP HCM, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghệ sinh học Đồng Nai. Hiện, TP Cần Thơ và tỉnh Hà Nam có đề án xin thành lập khu công nghệ cao và đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Mô hình khu công nghệ cao được cho tạo môi trường thu hút đầu tư doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ươm tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực... phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.
Hà An