Lúc đó chúng tôi đều đang dự lễ khởi công Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện, Hải Phòng.
Hôm nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu.
Khu thương mại tự do có thể được thành lập ở nhiều nơi, nhưng sẽ phát huy hết ưu điểm khi được gắn với một cửa khẩu, nơi có luồng hàng hóa giao lưu mạnh. Cửa khẩu có thể là cảng biển, sân bay, hay cửa khẩu đường bộ. Khu thương mại tự do gắn với cảng biển vẫn là lý tưởng nhất, vì cảng biển là nơi khối lượng hàng hóa lưu thông, xuất nhập khẩu nhiều nhất. Nếu không gắn với cảng biển hay cửa khẩu nói chung, khu thương mại tự do sẽ chỉ còn như một khu chế xuất thông thường.
Nghị quyết chỉ ra rằng Khu thương mại tự do Đà Nẵng có ranh giới địa lý xác định, trong đó có các khu chức năng bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật. Các khu chức năng được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Quy định trên cho thấy khu thương mại tự do khá tương đồng với khu chế xuất, ở chỗ được ngăn cách với bên ngoài, tạo thành một khu vực hải quan riêng. Trong khu vực đó, hàng hóa chưa phải nộp thuế, chưa phải áp dụng các chính sách quản lý chuyên ngành, hay nói cách khác, vẫn ở chế độ "thương mại tự do". Chỉ khi hàng hóa được đưa vào nội địa, thì mới phải áp dụng các quy định như đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào.
Điểm khác biệt là trong khi khu chế xuất chỉ bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thì trong khu thương mại tự do, ngoài doanh nghiệp sản xuất, chế biến còn có các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ, doanh nghiệp logistics. Như vậy, các doanh nghiệp sửa chữa, bảo hành, tái chế, tân trang; các doanh nghiệp đóng gói, chia tách, dán nhãn, gia công đều có thể được thành lập trong khu này. Ta có thể hình dung, một tổng kho phân phối hàng tiêu dùng nhanh đặt ở đây, nhập kiwi từ New Zealand, táo từ Australia, thịt bò từ Nhật, linh chi từ Hàn Quốc, rồi đóng thành một lô hàng với các sản phẩm trên để chuyển đi Philippines. Không cần nộp thuế xuất nhập khẩu, không phải làm các thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành, tốc độ luân chuyển hàng hóa tăng lên rõ rệt - đó chính là lợi nhuận, là điểm thu hút nhà đầu tư đến với khu thương mại tự do.
Khu thương mại tự do, nhờ thế, là một động lực tăng trưởng mới, một thỏi nam châm để thu hút đầu tư, thu hút nguồn hàng, thúc đẩy dịch vụ logistics...
Đà Nẵng đã có cơ sở pháp lý để xây dựng khu thương mại tự do. Vướng mắc lớn nhất đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, thành phố vẫn phải xác định vị trí, diện tích, ranh giới của một khu đất cụ thể để trình Thủ tướng ban hành Quyết định thành lập khu thương mại tự do. Sau đó, mời gọi và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để xây dựng và phát triển. Năng lực của nhà đầu tư không chỉ thể hiện ở số vốn cam kết, tốc độ xây dựng hạ tầng mà còn ở khả năng tìm và mời được nhiều nhà đầu tư thứ cấp đến xây dựng nhà máy, trung tâm logistics, cơ sở dịch vụ - thương mại, hay nói cách khác, nhanh chóng lấp đầy khu vực được hưởng quy chế đặc biệt này.
Các nhà đầu tư tại khu thương mại tự do có quyền và nghĩa vụ như các nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Quy định này tưởng chừng đơn giản, nhưng lại rất cần thiết để các nhà đầu tư yên tâm. Tất cả cũng chỉ vì cho đến nay, khu thương mại tự do chưa được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật giống như khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
Tương tự, những quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất, chế độ ưu tiên về hải quan, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu công trình xây dựng, đánh giá tác động môi trường, cấp phép cho người lao động... trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng cơ bản không có khác biệt gì hơn các quy định hiện có, áp dụng với khu công nghiệp, khu kinh tế. Như vậy, Nghị quyết này chủ yếu để cho Đà Nẵng "được làm", chứ không phải dành quá nhiều ưu đãi cho khu thương mại tự do. Nhưng Đà Nẵng có lẽ cũng chỉ cần có thế, được làm đã là một mong muốn mà nhiều địa phương khác còn chưa đạt được.
Một nhà quản lý kinh tế địa phương nhận xét: Các quy định để thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng rất rõ ràng. Chỉ có điều, giá như đây không phải chỉ là quy định đặc thù dành riêng cho một thành phố, mà là văn bản pháp lý có thể áp dụng được với mọi địa phương thì sẽ tốt biết bao. Tôi hiểu, ý của ông là mong muốn khu thương mại tự do sẽ được đưa vào một văn bản pháp lý như luật, nghị định để mọi địa phương có điều kiện đều có thể áp dụng.
Cách đây một tháng, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) và Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) đã chính thức mở cổng kết nối. Như vậy, hàng hóa dỡ xuống ở CMIT có thể đưa sang TCTT để chuyển lên tàu khác mà không phải làm thủ tục hải quan giống như hàng hóa nhập khẩu rồi lại xuất khẩu. Với việc cụm cảng Cái Mép vươn lên xếp thứ bảy về chỉ số hiệu quả cảng container, điều này có ý nghĩa lớn trong việc tiết giảm thời gian, chi phí cho cả cảng, hãng tàu và chủ hàng, tạo thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa.
Những người làm logistics chúng tôi đều hiểu đây là kết quả của một nỗ lực rất lớn, qua nhiều năm trời. Liên thông các cảng là một điều kiện tất yếu để nâng tầm, đưa cảng biển Việt Nam trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai. Và khi cảng biển được liên thông, gắn liền với khu thương mại tự do thì hiệu quả càng gia tăng hơn nữa.
Tháo hàng rào giữa hai cảng đã là rất tốt. Và còn tốt hơn nữa, khi tháo hàng rào trong tư duy, nhanh chóng học tập và áp dụng những bài học tiên tiến của thế giới để đất nước tiến lên nhanh hơn.
Trần Thanh Hải