Joseph Bolitho Johns, hay còn có biệt danh là Moondyne Joe, sinh vào khoảng năm 1826 tại Xứ Wales, là con thứ ba của thợ rèn Thomas Johns và bà Mary Bolitho. Trong những năm đầu đời sau khi cha mất, ông cùng các anh em kiếm sống bằng nghề thợ mỏ.
Ngày 15/11/1848, Johns cùng người bạn William Cross quyết định đột nhập vào nhà một người đàn ông tại thị trấn Monmouth. Họ đánh cắp ba ổ bánh mì, một miếng thịt xông khói, vài miếng phô mai và một số vật phẩm khác trong nhà, sau đó bị cảnh sát tuần tra bắt và buộc tội ăn trộm.
Johns đã tự bào chữa trước tòa, tuyên bố vô tội và buông lời lăng mạ thẩm phán. Tuy nhiên, hành động này khiến cả ông và người bạn của mình bị kết án 10 năm tù vào tháng 3/1849. Sau 4 năm lĩnh án tại các nhà tù khác nhau ở Anh, họ bị đưa tới Australia, lúc đó là thuộc địa của Anh. Trong khi Cross bị giam tại nhà tù Hobart, bang Tasmania, Johns bị chuyển tới thành phố cảng Fremantle.
Nhờ cư xử tốt trong hành trình tới Australia và "giúp truy đuổi một tội phạm bị truy nã", Johns được ân xá sau khi đến nơi. Ông sống tại thung lũng Avon, sau đó di chuyển tới khu vực mà các thổ dân gọi là Moondyne, sống bằng nghề chăn ngựa và gia súc.
Tới năm 1861, Johns bị bắt lần thứ hai vì tội ăn cắp con ngựa thuần chủng mới của một thẩm phán và ngay lập tức bị tống vào tù. Tuy nhiên, ông đã đào tẩu lúc nửa đêm bằng cách tháo bản lề cửa phòng giam và chạy trốn bằng chính con ngựa mình ăn cắp, nhưng sớm bị bắt lại và đưa trở về Fremantle để thi hành bản án ba năm tại trại cải huấn của thành phố.
Johns một lần nữa may mắn được thả ra trước thời hạn nhờ cư xử tốt, với điều kiện không được tiếp tục gây rắc rối và phải tìm một công việc tử tế. Ông đã tới thành phố Newcastle, Australia để làm lại cuộc đời, nhưng vẫn không kìm chế được hành vi phạm tội khi giết và ăn thịt một con bò của hàng xóm vào năm 1865.
Dù tuyên bố đã bỏ tiền mua con bò và không phải người chịu trách nhiệm, Johns vẫn bị kết án 10 năm tù tại Fremantle. Tuy nhiên, người đàn ông này tiếp tục vượt ngục thành công với một bạn tù và cùng người này tiến hành các vụ trộm nhỏ trong khu vực. Đây là khoảng thời gian Johns bắt đầu sử dụng biệt danh "Moondyne Joe".
Một tháng sau, Johns bị bắt trở lại và nhận thêm 12 tháng tù với cáo buộc sở hữu súng. Lần này các nhân viên tại trại giam buộc phải xích Johns lại, nhưng ông vẫn không từ bỏ ý định vượt ngục. Sau một lần thử thất bại, Johns đã tìm ra cách trốn thoát cùng một vài tên tội phạm khác.
Họ thành lập một băng đảng và thực hiện một loạt vụ trộm cướp, đồng thời lập kế hoạch lớn nhằm cướp ngân hàng. Tuy nhiên, trước khi nhóm này kịp hành động, cảnh sát đã lần ra dấu vết và bắt được chúng tại Bodallin Soak, gần khu vực thị trấn Westonia ngày nay. Johns bị đưa tới nhà tù tại Moondyne.
Với quyết tâm giữ chân kẻ từng ba lần vượt ngục thành công, chính quyền đã thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn sự việc tái diễn. Cùng với bản án 10 năm đang có hiệu lực, họ kết án Johns thêm 5 năm lao động khổ sai, thậm chí thiết kế một phòng giam đặc biệt "chống đào tẩu" dành riêng cho ông. Căn phòng này được làm bằng bê tông, lót các thanh tà vẹt kiên cố và đủ thoải mái "như ở nhà" để Johns không có lý do bỏ trốn.
"Nếu anh trốn thoát được thêm lần nữa, tôi sẽ ân xá cho anh", Thống đốc vùng thuộc địa Sông Swan John Hampton nói với Johns. Tuy nhiên, Hampton không ngờ rằng Johns đã vạch sẵn kế hoạch cho thử thách này. Vào ngày 7/3/1867, ông chui qua một chiếc lỗ bí mật đục trên tường và trốn khỏi trại giam qua cổng phụ không khóa. Cảnh sát tiến hành truy lùng nhưng không thể tìm thấy tên cướp.
Johns tận hưởng tự do trong hai năm tiếp theo, tới khi bị bắt vì ăn cắp rượu và nhận thêm 4 năm bị xích trong phòng giam. Tuy nhiên, Thống đốc Frederick Weld quyết định ân xá cho Johns vào năm 1871, được cho là bởi nghe được lời hứa của người tiền nhiệm. Điều kiện đặt ra là Johns không được phạm tội trong 4 năm tới.
Johns sau đó tới thị trấn Karridale làm thợ mộc, nhưng vẫn không thoát khỏi rắc rối do phạm một số tội nhỏ và bị kết án một tháng tù. Ông được trả tự do vào ngày 27/6/1873 và kết hôn với một góa phụ hồi năm 1879. Vợ của ông được cho là qua đời vào năm 1893 do bệnh tật.
Tới đầu năm 1900, Johns tái xuất khi nhiều người báo cáo với cảnh sát về một cụ ông mất trí lang thang trên đường vào ban đêm. Ông được đưa tới một cơ sở y tế để điều trị. Trùng hợp thay, nơi đây từng là một phần của trại cải huấn Fremantle, một trong những nhà tù mà Johns từng đào tẩu. Dường như do ảnh hưởng của chứng mất trí, ông không nhận ra rằng đây không phải phòng giam và tiếp tục cố gắng trốn khỏi cơ sở y tế này ba lần.
Johns qua đời vào ngày 13/8/1900 do chứng mất trí và được chôn tại nghĩa trang Fremantle, trên bia mộ có khắc chữ "rhyddid", theo tiếng Wales có nghĩa là "tự do".
Ánh Ngọc (Theo Vintage News)