Quê ở huyện Lai Vung, gia đình ông Vương, 49 tuổi, sống bằng nghề ruộng, song cả nhà hơn 10 người chỉ có chục công đất (một ha) làm vốn, chỉ đủ ba bữa ăn. Sau khi lập gia đình, cuộc sống khó khăn khiến chàng trai trẻ không thôi nghĩ về tương lai. Một lần người trong xóm rủ đi miệt trên lập nghiệp, ông bàn với người lớn trong nhà xin đi một chuyến.
Cuối năm 1996, ông gom vội hai bộ đồ rồi lên đường đến xã Phú Cường, huyện Tam Nông cách nhà gần 60 km, tìm mua thửa đất rộng một ha. Giữa đồng không mông quạnh, Vương dắt díu vợ cùng con gái còn nằm nôi, dựng tạm chòi lá lập nghiệp.
Vợ ông - bà Nguyễn Thị Lục (49 tuổi) nhớ như in cánh đồng ngày ấy, rộng ngút ngàn không bụi cây, chỉ vài ba chòi lá của người tha hương kiếm sống bằng nghề trồng lúa. Cuộc sống gia đình lúc đó thiếu thốn đủ bề từ nước uống đến cành củi nấu nướng.
Buổi sáng bà thức thật sớm lấy nước đọng trong dấu chân trâu mang về dùng, mở manh phơi đám cỏ dùng làm chất đốt. Bữa cơm sớm với mớ cá đồng bắt khuya hôm trước, vợ chồng trẻ mang con để trong chiếc thau nhỏ đặt trên bờ đê gần đó vừa trông con vừa làm đồng. "Mấy tháng đầu ngày nào tôi cũng khóc chỉ có ảnh bền lòng bám ruộng tin rằng có làm mới có ăn", bà Lục nhớ lại.
Vốn là nông dân làm lúa giỏi ông Vương nhanh chóng kiếm đồng lời từ vụ lúa đầu tiên. Sau khi để riêng vài bao gạo ăn dần ba tháng tới, số tiền dư vợ chồng ông không đụng đến. Mùa nước năm đó, căn chòi vốn tạm bợ bị gió quật bay mất giữa đêm. Ba người ngoi ngóp trong mưa, chờ trời sáng để dựng lại chòi.
Lần khác lúa vừa sạ được dăm ngày tuổi, từng trận mưa không dứt khiến đám mạ non trôi dạt cả vào bờ. Nóng ruột, ông Vương đội mưa đắp đất be bờ, chạy máy bơm rút nước quên cả lạnh và đói. Mồ hôi, nước mắt đổ trên đồng nên người nông dân trẻ trân quý hạt lúa làm ra, không dám xài phí dù một đồng. "Từ bàn tay trắng đến 300 công ruộng (30 ha) hôm nay vợ chồng tui chưa dám mua một tờ vé số, ngồi quán xá uống một ly cà phê", bà Lục kể.
Không chỉ làm ruộng đôi vợ chồng tha hương này còn làm đủ thứ nghề từ làm thuê làm mướn đến giăng câu thả lưới kiếm thêm thu nhập. Mấy năm ròng, ông Vương ban đêm bắt cá, vợ ở nhà hái đậu đũa trồng sau nhà, mang ra chợ. Hôm nào ế hàng, bà Lục đội thau cá, rau rảo quanh khu dân cư năn nỉ từng người mua.
Có bận cả xóm xúm nhau bắt ốc bán cho thương buôn đi thành phố, họ tranh thủ ban đêm bắt ốc, làm đến lở cả tay chân. Chính sự cần kiệm khiến vợ chồng trẻ luôn có sẵn khoản dư trong nhà, khi ai ngỏ lời bán đất họ đặt cọc mua ngay. Chỉ mất hai năm họ sắm thêm được 3,5 ha với giá 4,5 chỉ vàng một công (1.000 m2) bằng hình thức trả dần. Với gần 5 ha ruộng trung bình ba vụ lúa ông đủ tiền sắm thêm 3 ha đất.
Những thửa đất sau cũng được mua bằng chính tiền lời từ trồng lúa, lúc nào thiếu họ mang sổ đỏ cắm ngân hàng, vay cho đủ rồi làm ruộng trả dần. Hơn chục năm trước họ đã có trong tay gần trăm công đất. Các công đoạn sản xuất trên đồng đều do cả hai làm, ít khi thuê mướn, nhằm lấy công làm lời. Ở ấp Gò Cát hiếm có ai mần lúa trúng qua ông Vương. Ruộng của ông năng suất trung bình 7-10 tấn mỗi ha. Những năm lúa trúng "bể bồ", lúa phơi trên đê kéo dài hơn một km.
Để việc đồng áng nhẹ công, ông Vương tìm tòi, làm ra một số máy móc như máy phun thuốc tận dụng xuồng kéo giữa mương nước, cùng hai cần phun dài hai bên. Với thiết bị này vừa rút ngắn thời gian phun thuốc mà không cần thuê mướn thêm người. Khi gặt lúa, nếu giá thấp họ tìm cách phơi khô trữ lại chờ thị trường "ấm lên" mới xuất bán.
Trong kho lúa xây cạnh nhà, bà Lục vẫn còn giữ đôi bàn trang, bàn cào - dụng cụ phơi lúa đã dùng nhiều năm trước. Chúng to phải gấp ba so với loại thường mà vợ chồng bà vẫn nói vui xài hết mùa là "hở phổi", vì chỉ có loại này mới kịp thu gom hàng trăm tấn lúa, tránh lúc trời mưa.
Gần ba thập niên bám ruộng đồng, vợ chồng ông Vương sở hữu hàng chục tỷ đồng cùng 30 ha ruộng. Ông bà cũng nuôi con gái lớn học hành đến nơi đến chốn, hiện làm bác sĩ tại bệnh viện gần quê cũ.
Đầu năm 2023, cánh đồng ấp Gò Cát hiu quạnh lúc trước nay đông đúc dân cư. Mái chòi xơ xác của ông Vương ngày nào được thay bằng căn nhà tường kiên cố. Tỷ phú trẻ sống bình dị, ra đồng mỗi ngày, tự tay làm nhiều công đoạn song có phần nhàn nhã hơn khi áp dụng phun tưới bằng máy bay, cắt lúa, xới đất bằng máy móc hiện đại.Trong khi nhiều nông dân bỏ ruộng lên vườn, vợ chồng ông vẫn vững tin với cây lúa. Với 30 ha đất làm lúa ba vụ, ông thu về khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
"Có đam mê mới mua nhiều đất chứ đất càng nhiều càng cực. Mần ruộng ham lắm, lúa chín cong trái me, màu vàng óng, đi thăm ngày hai lần cũng không đã", người nông dân cười hiền và bảo sẽ gắn bó với ruộng đồng với nghề trồng lúa, không có ý định nghỉ ngơi hay sắm sửa nhà cao, cửa rộng ở phố dù thừa khả năng làm việc đó.
Ông Nguyễn Văn Săng, Bí thư xã Phú Cường, nhận xét ông Vương là nông dân sản xuất giỏi của địa phương, tiêu biểu cho tinh thần vượt khó làm giàu từ chính đồng ruộng.
Ngọc Tài