Sáng 26/6, ông Lê Văn Lãng, Phó chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết các biện pháp này được ban hành sau sự việc một số cán bộ của đơn vị này vi phạm pháp luật ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vào ngày 12/6/2019.
"Đây là vi phạm của các cá nhân, những người vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật, song vẫn là bài học về công tác cán bộ", ông Lãng nói.
Theo quy định mới, trước mỗi cuộc thanh tra, trưởng đoàn và thành viên đoàn đều phải ký cam kết tuân thủ đúng quy định, thực hiện đúng đạo đức công vụ.
Thanh tra Bộ đã tham mưu Bộ trưởng Xây dựng ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020, tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề và công trình là điểm nóng được dư luận và các đại biểu Quốc hội quan tâm; không thanh tra dàn trải nhiều tỉnh, thành như trước. Năm nay Bộ Xây dựng chỉ tổ chức 10 đoàn thanh tra công tác quy hoạch tại một số thành phố, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư ở Hà Nội và TP HCM. Trước đây, mỗi năm Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành hàng chục cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất.
Kế hoạch và thời gian tiến hành các cuộc thanh tra đều được thông báo công khai, cụ thể đến các tổ chức, cá nhân được thanh tra. Trước đây, kế hoạch thanh tra chưa được công bố chi tiết về ngày, giờ.
"Chúng tôi thường xuyên quán triệt về đạo đức công vụ cho cán bộ khi giao việc", ông Lãng nói.
Trả lời về trách nhiệm của đơn vị quản lý, ông Lãng nói Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về những vi phạm trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên tại thanh tra Bộ Xây dựng, công bố hồi đầu tháng 5. Đến nay, Thanh tra Bộ đã kiểm điểm tổ chức và cá nhân theo kết luận của cơ quan kiểm tra. Các cá nhân liên quan cũng nghiêm túc kiểm điểm với tinh thần cầu thị và khắc phục các tồn tại.
"Chúng tôi đã ban hành nghị quyết về việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính để lấy lại uy tín và hình ảnh của Thanh tra Bộ Xây dựng. Thời gian qua, chúng tôi bị áp lực dư luận song đơn vị vẫn đoàn kết thực hiện nhiệm vụ của mình", ông Lãng nói và cho biết đơn vị đang rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản về quy chế làm việc.
Trước đây Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 23 văn bản về quy chế làm việc và tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực của trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ; quy tắc ứng xử cũng như xử lý các vi phạm... "Tuy nhiên, các quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra vẫn còn một số bất cập nên chúng tôi tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới", ông Lãng cho hay.
Đánh giá quá trình công tác của bà Nguyễn Thị Kim Anh - Cựu trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, ông Lãng cho biết bà Kim Anh đã công tác tại đơn vị hơn 10 năm.
Sau một thời gian làm việc tại Phòng Tiếp dân và xử lý đơn thư, bà Kim Anh "được đánh giá là cán bộ có năng lực và trách nhiệm". Năm 2018, bà nâng ngạch là thanh tra viên chính và đủ điều kiện làm trưởng đoàn thanh tra; đến năm 2019, luân chuyển làm phó phòng Phòng chống nham nhũng. Lần thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là cuộc thứ 2 do bà Kim Anh là trưởng đoàn.
Sau một năm điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Kim Anh (45 tuổi, cựu phó trưởng Phòng phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng), Nguyễn Thị Kim Liên (43 tuổi, cựu cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3), Đặng Hải Anh (39 tuổi, cựu chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2) và Nguyễn Thị Thùy Linh (26 tuổi, cựu thành viên Đoàn Thanh tra) về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhà chức trách cáo buộc là trưởng đoàn thanh tra, khi đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Kim Anh đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Khi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, nhà thầu, bà không chấp nhận cho giải trình mà "ép buộc phải đưa tiền để bỏ qua hoặc giảm nhẹ lỗi vi phạm".