Không bảo vệ được người tố cáo và không xử lý được trường hợp vi phạm vì thiếu quy định pháp lý là hai mối lo được Phó chánh Thanh tra quận 1 Lê Thị Diệu Tuyến nêu tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH TP HCM tổ chức, chiều 28/9.
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) có 8 chương, 118 điều, từng được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 hồi tháng 5. Hiện, dự thảo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan để khảo sát, lấy ý kiến tiếp thu, điều chỉnh, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới, thay thế cho Luật Thanh tra 2010.
Nêu khó khăn, bà Lê Thị Diệu Tuyến cho biết Luật Thanh tra hiện chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo trong các vụ việc chuyển từ đơn tố cáo thành nội dung thanh tra. Quy định bảo vệ này hiện chỉ có trong Luật Tố cáo.
Cụ thể, khi cơ quan chức năng thụ lý đơn tố cáo thì chính quyền sẽ xác định nhân thân người tố cáo. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền lập đoàn xác minh nội dung tố cáo và gửi đơn đề nghị bảo vệ người tố cáo cho công an. Theo quy trình xử lý đơn tố cáo, đoàn chỉ được xác minh nội dung có trong đơn.
Phó chánh Thanh tra quận 1 lấy ví dụ, đơn tố cáo vi phạm trong thu tiền cho thuê một mặt bằng của đơn vị thì chỉ được xác minh nội dung này, dù cơ quan chức năng nhận định đơn vị đó có nhiều mặt bằng cho thuê có thể có sai phạm cũng không được mở rộng thanh tra vì nằm ngoài phạm vi tố cáo.
Do đó, nếu xác định vụ việc được tố cáo là nghiêm trọng, quận mở đoàn thanh tra để đánh giá toàn diện, thay vì lập đoàn xác minh theo quy trình thụ lý đơn tố cáo. Các quy trình sau đó sẽ áp dụng Luật Thanh tra thay vì Luật Tố cáo, mà trong Luật Thanh tra lại không có quy định cũng như điều khoản dẫn chiếu nào để bảo vệ người tố cáo.
Bà Tuyến kể quận từng có trường hợp người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ đoàn thanh tra, nhưng bản thân họ không được bảo vệ và bị trù dập. Hình thức có thể là chuyển công tác ra khỏi đơn vị, hoặc giao nhiệm vụ không thuộc chuyên môn.
"Tôi gặp một trường hợp nan giải là đối tượng bị thanh tra tuyên bố là đã xử lý luôn ông tố cáo họ rồi, mà chúng tôi không có cách gì can thiệp được. Có người thấy hành vi vi phạm đứng lên tố cáo nhưng không được bảo vệ mà còn bị chuyển công tác, bớt thu nhập. Họ tố cáo nhưng không được gì cả, bản thân lại bị xử lý", bà nói.
Theo bà Tuyến, trường hợp người bị tố cáo cũng là người đứng đầu cơ quan thì có quyền quản lý, điều động cán bộ nên cơ quan thanh tra không can thiệp được. Dù sau đó hành vi vi phạm theo tố cáo bị xử lý, cũng không khôi phục được lợi ích hợp pháp cho người cung cấp thông tin cho đoàn thanh tra.
Bên cạnh đó, khó xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra cũng là một vấn đề được bà Lê Thị Diệu Tuyến nêu ra tại hội thảo. Điều 8 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định nghiêm cấm hành vi can thiệp trái phép vào hoạt động thanh tra và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bà cho biết thường gặp trường hợp này trong thực tế, ví dụ người bị tố cáo không cung cấp thông tin, tài liệu cho đoàn thanh tra; tác động đến cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để cung cấp thông tin không đúng. Tuy nhiên, khi rà trong luật thì không có quy định xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi này, Bộ Luật Hình sự cũng không quy định tội này mà chỉ áp dụng cho hành vi tương tự trong tố tụng (không phải thanh tra). Do đó, dù biết sai nhưng đoàn thanh tra không xử lý được.
Cũng liên quan vấn đề này, một bất cập khác được Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết nêu ra là nguy cơ bỏ lọt trường hợp sai phạm dù đã xác định vi phạm. Thực tế có vụ việc Thanh tra thành phố phát hiện vi phạm pháp luật đến mức phải chuyển cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, sau quá trình xác minh, công an xác định có vi phạm nhưng mức độ chưa đủ để xử lý hình sự nên không khởi tố được. Lúc này, sai phạm không rõ do cơ quan nào xử lý.
"Lúc đó đâu có kết luận, tất cả cơ quan đều buông tay. Vậy ông nào rơi vào đoạn đó thì khỏi bị kỷ luật cũng không bị thu hồi tài sản? Giờ xử lý sao được", bà nói và đề nghị Thanh tra TP HCM tìm giải pháp để đề xuất đưa vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Theo báo cáo của UBND TP HCM, từ 1/8/2021 đến 31/7/2022, thành phố nhận được 115 đơn tố cáo, trong đó đã giải quyết 85 vụ (73,9%). Trong số này có 5 đơn tố cáo đúng, 57 đơn sai, và 23 đơn có đúng có sai; không phát sinh trường hợp người tố cáo yêu cầu được bảo vệ.
Thu Hằng