Chiều 13/6, Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thanh tra sửa đổi. Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ sẽ được Chính phủ quyết định thành lập. Luật hiện hành quy định mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra; các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức độc lập.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (phó đoàn Hà Nam) nói, sau hơn 11 năm không tổ chức Thanh tra Tổng cục, Cục, Chính phủ lại đề xuất quay lại mô hình này. Để đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, ông đề nghị dự luật quy định các tiêu chí, nguyên tắc thành lập chứ không giao Chính phủ quyết định thành lập. Đặc biệt, các tiêu chí, nguyên tắc thành lập phải được nghiên cứu kỹ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, không dàn đều ở tất cả các tổng cục, cục.
Cùng với đó, dự luật cũng cần quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Thanh tra của Bộ để không chồng chéo, trùng lặp; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Thanh tra Bộ không thanh tra lĩnh vực tổng cục, cục phụ trách.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (phó đoàn Quảng Ninh) cũng cho rằng quy định như dự thảo luật là mở quá, dễ dẫn đến các bộ, ngành thành lập các thanh tra Tổng cục tràn lan như giai đoạn trước. Hậu quả là một cơ quan phải đón quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm. "Cần giới hạn lại", bà Hà đề nghị.
Để bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, các cơ quan hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Phó đoàn Yên Bái) cho rằng chỉ nên tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các tổng cục có phạm vi, đối tượng quản lý lớn và có tổ chức theo ngành dọc ở các địa phương như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan. Việc tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các cục cần cân nhắc, xem xét kỹ để tránh cát cứ, chồng chéo, lãng phí.
"Cần có quy định phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục. Nếu đã có Thanh tra Tổng cục thì phạm vi thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra bộ sẽ phải thu hẹp", đại biểu Luận nói.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp, đại biểu Cao Mạnh Linh đề nghị ban soạn thảo bảo đảm nguyên tắc "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính". Cụ thể, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở là các cơ quan thanh tra chuyên ngành theo phạm vi quản lý nhà nước, không thanh tra hành chính trong nội bộ để tránh trùng lắp với hoạt động thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tỉnh. Đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ mà không có thanh tra Tổng cục, Cục thì mới giao Thanh tra Bộ.
"Quy định như vậy sẽ bảo đảm phân định rõ về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra; đồng thời, phát huy vai trò kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, theo cấp hành chính đối với hoạt động của các Bộ, Tổng cục, Cục, Sở, các cơ quan thanh tra chuyên ngành thông qua cơ chế kiểm tra, thanh tra lại", ông nói.
Giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết không phải Tổng cục, Cục thuộc Bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra, chỉ lập ở nơi có nhu cầu thực tiễn, nơi pháp luật chuyên ngành quy định và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
"Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra để tránh lạm dụng, đảm bảo tính thống nhất, khả thi, tinh gọn, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với Thanh tra Bộ", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Dự án Luật Thanh tra sửa đổi được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm.